00:00 Số lượt truy cập: 3040735

Những mô hình, cách làm hay chung tay xây dựng nông thôn mới mang đặc trưng riêng của các tỉnh miền Đông Nam Bộ 

Được đăng : 07/11/2022
Một số kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới đó là cách làm sáng tạo, hiệu quả của các địa phương. Sự sáng tạo này không chỉ ở một lĩnh vực, một chỉ tiêu mà ở hầu hết các lĩnh vực đều có những gương điển hình tiêu biểu, cách làm hay và trải rộng trên nhiều địa bàn.

haihaunamdinh00164860416467356868961483540359 
Một trong các nội dung của tiêu chí giao thông xã nông thôn mới nâng cao là tỷ lệ đường xã được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp và có các hạng mục cần thiết

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng ứng Lễ phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Thành ủy, Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phốđã tổ chức phát động Phong trào thi đua với chủ đề “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Thực hiện phong trào thi đua “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các quận, huyện triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với nội dung thi đua xây dựng nông thôn mới; các tổ chức chính trị - xã hội đều tổ chức phát động phong trào thi đua riêng, như: “Tháng thanh niên hành động xây dựng nông thôn mới”; “Thanh niên nông thôn lập nghiệp”; “Trồng cây xanh trên các tuyến đường ở các xã nông thôn mới”; “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, xây dựng xã nông thôn mới”; xã hội hóa xây dựng đường giao thông nông thôn với nhiều phương châm như: “Hiến đất làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới và giữ gìn an ninh trật tự”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Dân làm nhà nước thưởng”...; “Lực lượng vũ trang Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”...

Tại tỉnh Đồng Nai, 19 tiêu chí quốc gia đã phân chia thành 56 tiêu chí thành phần và đi đầu xây dựng thêm các tiêu chí nâng cao. Xây dựng xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo tiêu chí nâng cao theo hướng toàn diện, bền vững, gắn với tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn so với giai đoạn trước. Cuối năm 2020, tỉnh Đồng Nai có 51/131 xã nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đồng thời đã vượt các mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là Xuân Lộc, 1 trong 4 huyện được chọn xây dựng thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước, có 9/14 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 3 xã hoàn thành mục tiêu nông thôn mới kiểu mẫu. Xuân Lộc cũng là huyện duy nhất trong cả nước đạt và vượt mục tiêu về xã nông thôn mới nâng cao và đạt mục tiêu về xã nông thôn mới kiểu mẫu. Để đẩy mạnh thực hiện mô hình, chuỗi “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”, Xuân Lộc đã tập trung quy hoạch sản xuất theo vùng, hoàn thiện hạ tầng sản xuất với mục tiêu mở rộng các mô hình chuỗi hàng hóa theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ, liên kết sản xuất.

Tỉnh Bình Dương đi đầu trong xây dựng làng thông minh ở các xã nông thôn mới. Ủy ban nhân dân thị xã Tân Uyên đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Bạch Đằng tổ chức thực hiện xây dựng Đề án “Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu” giai đoạn 2021-2025 trong đó lồng ghép với các nội dung xây dựng “Làng thông minh”. ​Việc xây dựng Làng thông minh với mục tiêu là nơi tập trung nhiều sáng kiến về những vấn đề cấp thiết hiện nay với cộng đồng như: công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân nông thôn, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục, năng lượng, xử lý rác thải, xây dựng môi trường đáng sống, giàu đẹp, xanh, sạch... Trong tương lai, “Làng thông minh” Bạch Đằng sẽ là nơi đáng sống, thân thiện với thiên nhiên môi trường, vừa là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái, trở thành một biểu tượng xanh cho Bình Dương. Việc thống nhất được các khái niệm và cách tiếp cận Làng thông minh cho xã Bạch Đằng sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng xã nông thôn mới thông minh trong thời gian tới, đảm bảo xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh là quá trình thường xuyên, liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, đảm bảo hài hòa các chỉ tiêu hiệu quả về kinh tế, xã hội.

Tỉnh Bình Phước đã đẩy mạnh xây dựng kinh tế tập thể, kinh tế trang trại trong xây dựng nông thôn mới. Tỉnh ủy Bình Phước đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và nhân dân hiểu được xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng. Qua đó, thu hút sự tham gia của người dân, đẩy nhanh tiến độ quá trình xây dựng nông thôn ngày càng khang trang, giàu đẹp. Với chủ trương “mỗi người dân góp một ý tưởng xây dựng nông thôn mới”, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm hay, sáng tạo, như: sử dụng nguồn vốn công khai, dân chủ; lập “quỹ nông thôn mới”; mỗi chi bộ, đoàn thể đăng ký một chỉ tiêu thi đua; cộng đồng dân cư cùng nhau tự quản, tự làm đường giao thông, kênh mương theo quy chuẩn.

Đến tháng 9/2020, tỉnh Tây Ninh đã có 35 xã được công nhận đạt chuẩn. Hiện có 14 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 20 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 02 xã đạt từ 05-09 tiêu chí nông thôn mới. Bình quân toàn tỉnhđạt được 16,3 tiêu chí nông thôn mới, trong đó: thành phố Tây Ninh đạt 17,7 tiêu chí, thị xã Hòa Thành đạt 19 tiêu chí, thị xã Trảng Bàng đạt 15,3 tiêu chí, huyện Tân Biên đạt 16,8 tiêu chí, huyện Tân Châu đạt 13,7 tiêu chí, huyện Dương Minh Châu đạt 15,8 tiêu chí, huyện Châu Thành đạt 15,4 tiêu chí, huyện Gò Dầu đạt 17,4 tiêu chí, huyện Bến Cầu đạt 17,6 tiêu chí. Tỉnh cũng xây dựng và bước đầu triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất như: Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, Dự án hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn (Đề án OCOP); tổ chức đào tạo nghề cho 3.500 lao động nông thôn.

Trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rất coi trọng công tác tuyên truyền vận động người dân. Hằng năm, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương đều thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tế đời sống, sản xuất của người dân, gắn với thực hiện mô hình vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững”. Qua quá trình vận động, nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới đã thay đổi nhiều. Người dân đã hiểu rõ mình là chủ thể của Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó tham gia vào xây dựng kế hoạch, giám sát, góp tiền, ngày công, hiến đất để xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, hiện số tiền ủng hộ, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới là hơn 553 tỷ đồng; số ngày công đóng góp hơn 78.700 ngày, quy đổi thành tiền là gần 12 tỷ đồng; số diện tích đất hiến tặng phục vụ xây dựng hạ tầng, đường giao thông nông thôn là 1.115.600m2.

Với sự chung sức của người dân và cả hệ thống chính trị, diện mạo nông thôn của Bà Rịa - Vũng Tàu đã có sự thay đổi rõ rệt; kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, góp phần thu hút đầu tư trong cộng đồng. Đến cuối tháng 6/2019, toàn tỉnh có 28 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 62,2%) và 1 xã đã đạt 19/19 tiêu chí. Tổng số tiêu chí của 45 xã xây dựng nông thôn mới là 757 tiêu chí, trung bình 16,8 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 9 tiêu chí. Thành phố Bà Rịa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh đạt 50 triệu đồng/người/năm, tăng 36,5 triệu đồng so với trước khi xây dựng nông thôn mới.

Trên đây là những mô hình, cách làm rất hiệu quả, giúp cho vùng Đông Nam Bộ có nhiều thành tựu và kết quả cao trong xây dựng nông thôn mới như đạt xã, huyện, tỉnh nông thôn mới sớm nhất, tiêu biểu, kiểu mẫu..

                                                                           Nhật Anh