00:00 Số lượt truy cập: 3040455

Những thành tựu xây dựng nông thôn mới ở Hậu Giang 

Được đăng : 03/10/2023
Là một trong số những tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn rất nhiều khó khăn song Hậu Giang đã tạo nên những điểm sáng trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tháng 12.2013, xã Đại Thành (thị xã Ngã Bảy, hiện là thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) trở thành địa phương đầu tiên ở ĐBSCL đạt chuẩn NTM.

hau-giang12

Lễ công bố Quyết định công nhận xã Long Trị A, TX Long Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

 Sau hơn 12 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Hậu Giang đã đạt những kết quả và thành tựu nổi bật. Diện mạo nông thôn có chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi… ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ và hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn được cải thiện và ngày càng nâng cao, các hình thức tổ chức sản xuất trong nông thôn ngày càng được đổi mới, cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên. Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành, đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng số xã nông thôn mới của tỉnh là 39 trong số 51 xã (đạt 95,56% chỉ tiêu Trung ương giao trong giai đoạn 2021 - 2025), có 8 trong 51 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân đạt 17,8/19 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2021 đến nay là trên 36.436 tỷ đồng

Ngay từ những tháng đầu năm 2023, tỉnh Hậu Giang đề ra mục tiêu tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và chất lượng sống của dân cư nông thôn. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng đối với các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và huyện đạt chuẩn NTM, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phấn đấu Thị xã Long Mỹ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2023 ; Tiếp tục duy trì và nâng chất các đơn vị xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; các huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. phấn đấu công nhận thêm 3 xã nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 40 xã, các xã còn lại đạt từ 14 tiêu chí trở lên, công nhận thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên 12 xã. Công nhận mới 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với chương trình OCOP, công nhận ít nhất 24 sản phẩm đạt 3 - 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh; thăng hạng cho sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh đủ điều kiện lên 4 sao; tái công nhận đối với sản phẩm OCOP hết thời gian chứng nhận (36 tháng) trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện hồ sơ cho 3 sản phẩm OCOP đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia.

Tại buổi làm việc chiều 22/9 giữa Đoàn Giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang với Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá, công tác xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động có lúc, có nơi chưa thường xuyên, liên tục, cách làm chưa mới, chưa thu hút người dân tham gia. Một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ, còn trông chờ, ỷ lại, chưa tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Chất lượng một số tiêu chí ở một số xã chưa bền vững, việc nâng chất các tiêu chí chưa được quan tâm. Việc phát triển các mô hình, hình thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm.

Ông Trần Văn Huyến đề nghị, các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng về trách nhiệm của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Bên cạnh đó, triển khai đầy đủ, kịp thời đến người dân, tổ chức kinh tế về các cơ chế, chính sách của HĐND, UBND ban hành; phát triển, củng cố, nâng chất hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã. Đồng thời, cần quan tâm đẩy mạnh phát triển hơn nữa các loại hình du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới đủ sức tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; định hướng cơ chế phối hợp, quan tâm phân bổ vốn, lồng ghép các nguồn lực đáp ứng cơ bản nhu cầu theo thứ tự ưu tiên, không dàn trải. Trong đánh giá công nhận xã nông thôn mới, cần hạn chế, tiến tới không công nhận khi thiếu tiêu chí, tiêu chí yếu, tiêu chí chưa bền vững; thường xuyên duy trì, nâng chất các tiêu chí. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng các tiêu chí nông thôn mới phải định hướng cho tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; rà soát, điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, lộ trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phù hợp thực tiễn của tỉnh và từng đơn vị.

Tuấn Dương