00:00 Số lượt truy cập: 2841515

Những vấn đề đặt ra trong xây dựng nông thôn mới theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại” 

Được đăng : 16/11/2022

21473348ungdungkhcntrongnongnghiep

Hướng đến một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra trước một năm; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều vùng nông thôn thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, từ đó, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mà còn tạo cơ hội cho người dân nơi đây phát triển kinh tế.

Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Phấn đấu cả nước có khoảng 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi là thôn) thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do UBND cấp tỉnh quy định.

Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được thiết kế không chỉ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng mà chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân trong xã hội nông thôn. Chương trình kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa kinh tế-văn hóa và xã hội trên địa bàn nông thôn.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giai đoạn 2021-2025 theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, Nông dân văn minh, Nông thôn hiện đại” theo chủ trương của Đảng, định hướng của Chính phủ, còn một số vấn đề đặt ra: 

Thứ nhất, tập trung giải quyết, xử lý một số vấn đề bức thiết ở địa phương được đúc rút sau 10 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM: môi trường, nước sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ thông tin…

Thứ hai, xây dựng NTM phải gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn; đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền;tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó, quan tâm hoàn thiện và cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu của các xã khó khăn, đặc thù, vùng sâu, vùng xa; tăng cường phát triển dịch vụ thương mại nông thôn; phát huy tính chủ động sáng tạo của địa phương, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức quốc tế.

Thứ ba,xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trên cơ sở xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng hiện đại và đặc thù, phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ, du lịch nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Thứ tư, xây dựng NTM phải chú trọng bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp về văn hóa, con người Việt Nam, người dân được tiếp cận chất lượng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe tốt, hệ thống chính trị được tăng cường, quốc phòng, an ninh trật tự được giữ vững.

Thứ năm, phát huy nền tảng, sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Để giải quyết những vấn đề này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, trong đó, chú trọng nâng cao năng lực cộng đồng, thay đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông thôn; thực hiện hiệu quả phong trào Cả nước chung sức xây dựng NTM; Tăng cường phân cấp, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện Chương trình.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; chỉ đạo các địa phương chủ động ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của Chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững; …

Thứ ba, chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả các nội dung trọng tâmcủa Chương trình theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất, ngày càng nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn văn bền vững, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn; tiếp tục thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, sản xuất sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu của thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội, môi trường vào sản phẩm, giải quyết được các vấn đề cấp thiết ở nông thôn (môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn; phát triển kinh tế nông thôn; xây dựng NTM phù hợp với quá trình đô thị hóa; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện Chương trình OCOP; thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng NTM thông minh; phát triển du lịch nông thôn…).

Thứ tư,Nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức bộ máy thực hiện Chương trình ở các cấp ngày càng chuyên nghiệp, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã) để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo các cấp. Tăng cường phân cấp cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chủ động kiện toàn Bộ máy tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp thực hiện Chương trình, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, ổn định, bền vững và lâu dài, phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định hiện hành. 

Thứ năm, tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện: Tiếp tục tập trung nguồn vốn ngân sách Trung ương để bố trí cho Chương trình, trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách xây dựng NTM giữa các vùng, miền; chỉ đạo các địa phương lồng ghép các nguồn vốn ngân sách trung ương được giao của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã được giao theo các quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn các xã, huyện khó khăn; huy động tối đa nguồn lực từ ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) và các nguồn vốn hợp pháp cho xây dựng nông thôn mới.

Khuyến khích các địa phương có kinh tế phát triển hỗ trợ cho các địa phương khó khăn đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM; tăng cường vận động các tổ chức kinh tế hỗ trợ địa phương (huyện, xã) thực hiện xây dựng NTM; vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng NTM theo nguyên tắc tự nguyện cho nội dung cụ thể, do Hội đồng nhân dân xã thông qua;

Thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để ưu tiên hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP, hỗ trợ áp dụng công nghệ chế biến vừa và nhỏ trong nông nghiệp, môi trường và nước sạch nông thôn; tiếp tục khuyến khích cho vay ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội;

Thứ sáu, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế: Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ tư vấn và kỹ thuật cho chương trình NTM; Tranh thủ hỗ trợ vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế và các đối tác phát triển quốc tế để xây dựng NTM./.

Hoàng Anh