Ảnh minh họa
Trong những năm qua,tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều cơ chế khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, qua đó đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp địa phương. Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao được nhân rộng, đem lại hiệu quả cao, đồng thời thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng nhiều. Đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp; đưa thành tựu khoa học - công nghệ mới, công nghệ cao gắn với đào tạo nghề cho nông dân trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm…
Hiện tỉnh đã thu hút được gần chục dự án đầu tư vào nông nghiệp với diện tích khoảng 200 ha. Đó là các dự án như: Trồng rau màu, cây ăn trái của Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh; Trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp sản xuất nông nghiệp hữu cơ của doanh nghiệp Tân Tiến tại huyện Ninh Phước; Công ty Cổ phần Nắng và Gió; Dự án Trang trại Sun and Wind của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt tại huyện Ninh Sơn đầu tư theo một quy trình khép kín, mang lại hiệu quả kinh tế cao.v.v…. Sản phẩm măng tây xanh của Hợp tác xã đang được Trang trại Tiên Tiến hợp đồng thu mua với giá 50.000 đồng/kg.
Để nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm, tại Ninh Thuận, người nông dân và các doanh nghiệp cũng đã có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Mối liên kết này bước đầu được hình thành, phát triển, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững.Hiện Ninh Thuận có hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư, liên kết với nông dân sản xuất nông nghiệp, mang lại lợi ích cho cả 2 bên.Nhờ chủ động liên kết, nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh Ninh Thuận đã đến với thị trường trong và ngoài nước.
Hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ được ngành chức năng, các địa phương chú trọng hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất nông nghiệp đối các sản phẩm đặc thù của tỉnh.Cùng với đó, mô hình bao lưới trên giàn táo đã nhân rộng trên 139 ha với 501 hộ tham gia.Xu thế ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bằng hình thức xây dựng trang trại kết hợp lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà đang trở nên phổ biến và cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Cùng với đó, Ninh Thuận cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh gắn với các cụm liên kết ngành hàng theo chuỗi giá trị. Để tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, đồng thời tích cực triển khai các chương trình tín dụng đặc thù như cho vay đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; mở rộng quy mô sản xuất gắn với tăng hiệu quả sản xuất, tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian qua, hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận cũng đẩy mạnh liên kết hai chiều giữa Hợp tác xã với nông dân và Hợp tác xã với doanh nghiệp. Hợp tác xã liên kết canh tác 15 ha nho trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện các khâu dịch vụ như cung cấp vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Từ đó, đã hình thành các vùng sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, gắn liên kết với doanh nghiệp trong chuyển giao khoa học và kỹ thuật, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, Ninh Thuận đã triển khai được 19 cánh đồng lớn phát triển loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, mở ra hướng làm giàu mới cho nông dân ở vùng khó khăn.
CTH