00:00 Số lượt truy cập: 3036337

Nỗ lực hơn nữa để đưa sản phẩm OCCOP vươn xa 

Được đăng : 20/11/2023
Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao (đã được Bộ NNPTNT công nhận). Số lượng sản phẩm tăng nhanh đã hỗ trợ tích cực cho việc tiêu thụ nông sản.

 

 

ocp

Chương trình OCOP tại Thanh Hóa đã góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.

OCOP mở rộng thị trường, tạo sức bật xây dựng nông thôn mới bền vững

 Có thể khẳng định, Chương trình OCOP đã trở thành một giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, gắn liền với xây dựng NTM, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được tất cả các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công. Chương trình thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ (kết quả sau 5 năm triển khai cho thấy, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ giữ ổn định với khoảng 40%. Đặc biệt, ở khu vực miền núi, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ rất cao, như: ở Bắc Trung Bộ lên đến 50,6%, miền nam phía Bắc là 43,4% và Tây Nguyên là 45,2%).

Lâm Đồng hiện nay có 177 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 9 sản phẩm 5 sao (2 sản phẩm đã có quyết định công nhận, 7 sản phẩm Trung ương đang xem xét quyết định); 94 sản phẩm 4 sao; 74 sản phẩm 3 sao.

Sở  NN&PTNT Lâm Đồng khẳng định, qua 5 năm phát triển, Chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. “Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Chính vì thế, tỉnh đã khuyến khích và hỗ trợ xây dựng được các sản phẩm chất lượng tốt, đặc trưng của các địa phương và được thị trường đón nhận. Đây là một giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, gắn với xây dựng NTM” - ông Phạm Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng nói.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, thành phố Hà Nội đã công nhận được 2.167 sản phẩm OCOP, bằng khoảng 22% của cả nước. Trong đó, có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Riêng năm 2022, thành phố công nhận 518 sản phẩm, vượt 118 sản phẩm so với Kế hoạch (mỗi năm có 400 sản phẩm).

Để tiếp tục phát triển Chương trình OCOP năm 2023, đặc biệt nâng "sao" cho sản phẩm, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Nguyễn Minh Tiến đề xuất Hà Nội cần hỗ trợ các chủ thể khắc phục các vấn đề như bao bì, nguồn gốc sản phẩm và sở hữu trí tuệ. Thành phố cũng cần định hướng xuất khẩu các sản phẩm OCOP trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phấn đấu số sản phẩm OCOP đạt 5 sao chiếm 3 - 5%. Sản phẩm OCOP cần được chuẩn hóa quy trình, bảo đảm tính ổn định; tránh tình trạng khi đem đi dự thi thì đạt chất lượng tốt nhưng nhân rộng sản xuất thì chất lượng lại không được bảo đảm ổn định. Lãnh đạo các ban, ngành của Hà Nội cũng cần hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phát triển sản phẩm OCOP xanh và khai thác các giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa

Đến nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có 163 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 26 sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm OCOP cơ bản đã phát huy được lợi thế vùng miền, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều chủ thể đầu tư kinh phí cho việc thiết kế, in bao bì nhãn mác với các thông tin rõ ràng  về cơ sở sản xuất tạo điều  kiện thuận lợi cho khách hàng khi tra cứu thông tin sản phẩm. Đây cũng là cơ hội để quảng bá sản phẩm, tạo dựng được thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng, tạo thành động lực phát triển kinh tế vùng nông thôn.

Là đơn vị dẫn đầu về số lượng sản phẩm được chứng nhận đạt sao OCOP của tỉnh Lào Cai, HTX Chế biến thực phẩm sạch Gia Phú (huyện Bảo Thắng) có 5 sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: Thịt lợn sấy, thịt trâu sấy, thịt ba chỉ lợn hun khói, lạp sườn hun khói và xúc xích lợn. Hằng năm, HTX Chế biến thực phẩm sạch Gia Phú đưa ra thị trường hơn chục tấn sản phẩm, tạo nên chuỗi sản xuất hiệu quả, tạo thu nhập ổn định và bền vững cho hàng trăm, hàng nghìn nông dân từ khâu chăn nuôi đến chế biến, phân phối sản phẩm.

Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng Ngô Minh Quế cho biết, hiện nay huyện có 30 sản phẩm OCOP, xã Gia Phú là xã có nhiều sản phẩm OCOP nhất. Huyện xác định xây dựng và duy trì sản phẩm OCOP ngoài giá trị kinh tế thì yếu tố văn hoá, tri thức của đồng bào dân tộc rất quan trọng, vì vậy các chủ thể khi xây dựng sản phẩm cũng rất tâm huyết quan tâm đến bản sắc văn hóa của địa phương, có trách nhiệm cao với từng sản phẩm.  Cho nên việc Gia Phú duy trì được các sản phẩm này  là nhờ chú trọng đến những yếu tố văn hoá, tập quán của đồng bào.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm 0COP, Bộ NNPTNT cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Chương trình OCOP, nhất là việc phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo của chủ thể OCOP; giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ; sử dụng nguyên liệu địa phương và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa địa phương...) và gia tăng giá trị.

Cũng theo Bộ NNPTNT, ngoài nâng cao năng lực cho các chủ thể của Chương trình, cần tăng cường liên kết trong quảng bá, giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi về đầu ra tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức thương mại, đặc biệt là năng lực tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, thương mại điện tử…

                                                                                                         Nguyễn Hùng