Điển hình như anh Dương Tấn Biên, ngụ tại ấp Tràm Một, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, là một nông dân luôn có hướng khởi nghiệp. Từ diện tích 5.000 mét vuông đất sản xuất nông nghiệp của cha, mẹ cho khi mới lập gia đình, anh có ý tưởng kinh doanh lúa gạo và được Hội Nông dân xã ký bảo lãnh tín chấp. Anh được vay vốn Ngân hàng nông nghiệp, tổ chức kinh doanh lúa gạo. Sau một thời gian, anh đã tích lũy được một số vốn, mở rộng địa bàn kinh doanh. Lợi nhuận thu được ngày càng cao, anh đã chuyển nhượng thêm gần 3ha đất để sản xuất nông nghiệp, mua được một xe tải nhẹ để vận chuyển lúa gạo của gia đình và chở thuê khi nông dân địa phương có nhu cầu. Đến nay, anh đã xây dựng cơ bản nhà cửa và nuôi dạy con cái học hành đến nơi, đến chốn, có cháu đã tốt nghiệp Đại học và đã tham gia công tác tại huyện nhà.
Còn anh Nguyễn Văn Thành, là một nông dân sống tại xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, khi được hỏi về quá trình khởi nghiệp, anh cho biết: Là một trong những hộ nông dân đầu tiên đăng ký tham gia chương trình Khởi nghiệp trên 3N-VTC16. Lâu nay vẫn tưởng mình giàu kinh nghiệm, nhưng nhờ có sự tư vấn của các chuyên gia anh mới biết đến chăn nuôi an toàn sinh học, biết tối ưu hóa quá trình chế biến thức ăn… Vì thế, trong khi liên tục mấy năm qua giá gà xuống thấp, xung quanh nhiều người thua lỗ thì gà thịt của anh vẫn bán giá cao, ngay trong năm đầu tiên tham gia khởi nghiệp đã lãi được 200 triệu đồng.
Với ý tưởng khởi nghiệp, anh nông dân Trần Văn Thoa, ngụ tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi đã vay vốn đầu tư mặt bằng khoảng 30-40 m2, dự tính số vốn dùng mua máy móc chế xuất và nguyên liệu ban đầu khoảng hơn 100 triệu đồng để chế biến sữa đậu nành và anh đã thành công với thu nhập bình quân hàng tháng trên 15 triệu đồng. Anh cho biết, đậu nành không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các nước phát triển phương Tây hơn chúng ta 100 năm vẫn coi thực phẩm được làm từ đậu tương là những đồ ăn không thể thiếu, do vậy rất yên tâm để tiếp tục đầu tư mở rộng mặt bằng sản xuất, kiếm thêm thu nhập./.
Ngô Văn Minh - HND Bạc Liêu