Ông Nguyễn Văn Binh bên vườn nhãn cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm
Ở bản Hua Đán (xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) có 216 hộ, trên 1.000 nhân khẩu; trong đó, hơn 80% là người dân tộc Xinh Mun, trình độ dân trí thấp, việc tuyên truyền để người dân làm theo cũng rất khó khăn, bởi người dân thường trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước.
Nhờ sự giúp đỡ của ông Nguyễn Văn Binh (54 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Hua Đán, xã Tú Nang (Yên Châu) mà cuộc sống của người dân nơi đây đang dần thay đổi. Trên cương vị của mình, ông Binh luôn gương mẫu đi đầu trong công tác Hội; tích cực tuyên truyền hội viên thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua do các cấp Hội phát động; tuyên truyền hội viên tích cực tham gia phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trong các buổi sinh hoạt chi hội, ông luôn tận tình trao đổi, hướng dẫn bà con cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao; ông đã chủ động “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn bà con kinh nghiệm sản xuất, nhờ vậy đã có trên 85% hội viên nông dân chuyển đổi hơn 100 ha ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng nhãn, xoài. Từ các mô hình kinh tế hiệu quả ông đã giúp tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của bản giảm dần qua từng năm, bản đã xuất hiện nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi và đã đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp do Hội Nông dân trao tặng, tiêu biểu như các hội viên: Lò Văn Mừng, Nguyễn Văn Thuật, Nguyễn Văn Khánh, Vì Văn Hưng, Lò Thị Đích...
Bản thân ông Nguyễn Văn Binh cũng nhiều năm liền đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, với mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.Đặc biệt, năm 2020 tại Đại hội thi đua yêu nước Hội Nông dân Việt Nam, Chi hội trưởng nông dân Nguyễn Văn Binh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân giai đoạn 2015-2020".
Theo lời ông kể, năm 1991 ông lên Sơn La làm thuê tại huyện Yên Châu và nhận thấy đất đai ở bản Hua Đán màu mỡ, phù hợp với nhiều loại cây trồng. Năm 1992, ông quyết định đưa vợ con ở quê lên cùng sinh sống và lập nghiệp tại mảnh đất này. Bước đầu khởi nghiệp trên quê hương mới, ông thuê đất ở của người dân trong bản để trồng đỗ, ngô, mận hậu, mơ theo hướng “lấy ngắn nuôi dài” và tích lũy được vốn đầu tư mua đất để trồng cây ăn quả. Thấy cây nhãn phù hợp điều kiện khí hậu ở mảnh đất Hua Đán, năm 1997, ông về quê lấy giống nhãn Hưng Yên lên trồng trên diện tích 2 ha và trồng thêm 2 ha xoài. Để vườn nhãn đạt năng suất, chất lượng tốt, ông vừa làm, vừa học hỏi và rút kinh nghiệm qua thực tế sản xuất, nhất là học hỏi tiến bộ kỹ thuật ghép cây ăn quả qua những người làm vườn ở Hưng Yên, rồi áp dụng vào thực tế sản xuất.
Nhờ áp dụng kĩ thuật chăm sóc theo từng giai đoạn cả trước và sau khi thu hoạch, nên sản phẩm cây ăn quả của gia đình đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp, vì vậy, giá thành thường cao hơn so với những gia đình khác. Đến vụ thu hoạch ông trực tiếp liên hệ với thương lái ở các tỉnh, thành lên thu mua tại vườn. Từ năm 2018 đến nay, trung bình ông Binh thu từ 150 - 250 tấn nhãn/vụ. Hiện gia đình ông Binh có 25ha đất trồng đủ thứ cây ăn quả, riêng trồng nhãn thu về 2 tỷ/năm.
Để tăng thêm thu nhập, gia đình ông Binh còn đầu tư mở xưởng thu mua, sơ chế nông sản cho bà con trong bản và vùng lân cận; kinh doanh vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 17 lao động với mức thu nhập 5 -6 triệu đồng/người/tháng, vào mùa vụ số lượng lao động tăng lên gấp 3-4 lần.
Được biết, ông Binh còn mạnh dạn thử nghiệm trồng cây sầu riêng. Ý tưởng này xuất phát sau chuyến đi tham quan học hỏi kinh nghiệm cùng lãnh đạo huyện về các mô hình phát triển trồng cây ăn quả ở miền Nam vào năm 2018. Để thực hiện ý tưởng ông Binh còn mời chuyên gia của Viện Khoa học kỹ thuật Nông, lâm nghiệp Tây Nguyên về bản Hua Đán hướng dẫn cách trồng sầu riêng và đã trồng thử nghiệm 100 cây giống sầu riêng miền Nam, nhưng cây bị chết do sương muối. Không nản chí, ông Binh vẫn tìm tòi học cách trồng, hy vọng với quyết tâm của ông cây sầu riêng sẽ bén rễ trên mảnh đất Hua Đán, giúp người dân có hướng phát triển kinh tế mới.
Thấy nông sản của gia đình và bà con phải vận chuyển rất vất vả do ô tô chưa vào được tận vùng sản xuất để thu mua, ông Binh đã hiến đất và mở đường rộng 4km giúp vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Cùng với đó, ông cung ứng vật tư nông nghiệp theo hình thức trả chậm để hỗ trợ người dân phục vụ sản xuất; cho nhiều hộ khó khăn trong bản vay vốn lãi suất thấp; cho mượn trâu, bò làm sức kéo trong thời vụ và mua giống gia súc cho các hộ nuôi rẽ, giúp nhiều bà con thoát nghèo...
Ông Vì Văn Phẫu, Trưởng bản Hua Đán cho hay: Là người dưới xuôi lên đây khai hoang lập nghiệp, không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Binh còn có công rất lớn trong thay đổi tư duy sản xuất cho bà con và giúp đỡ các hộ dân khó khăn của bản về vốn, giống phát triển sản xuất; hỗ trợ tu sửa các phần mộ liệt sỹ của bản; thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ tiền cho các cụ cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn vào dịp lễ, tết. Tuy tỷ lệ hộ nghèo của bản đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, vì thế mà ông Binh luôn tâm niệm, khi đã có điều kiện về kinh tế, thì phải giúp đỡ dân bản thoát nghèo. Vì thế mà ông luôn được bà con trong bản rất tin tưởng, yêu mến...
Minh Hằng