Mô hình nuôi bò sữa tại huyện Lạc Thủy, Hòa Bình
Trong 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh luôn thực hiện tốt có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiên tiến, nhiều sản phẩm có thương hiệu, những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân trên các lĩnh vực khác nhau. Nhiều nông dân đã trở thành chủ doanh nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, các hộ có thu nhập cao, thu hút hàng chục lao động có việc làm thường xuyên, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vữngnhư mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa của hộ Nguyễn Thị Thúy Ngân, xã Phú Nghĩa (huyện Lạc Thủy) thu nhập bình quân đạt 1,1 tỷ/năm; mô hình chăn nuôi gà kết hợp hồ nuôi ốc nhồi tại HTX Hải Đăng, xã An Bình (huyện Lạc thủy) với doanh thu bình quân 4 tỷ đồng/năm; mô hình chăn nuôi gà, chăn nuôi trâu bò sinh sản kết hợp trồng cây ăn quả, trồng rừng SX của hộ Đinh Công Sử, xã Cao Sơn (huyện Lương Sơn) thu nhập bình quân trên 1,5 tỷ/năm; mô hình trồng cây ăn quả kết hợp trồng rừng sản xuất của hộ Nguyễn Quốc Thú, xã Mông Hóa (thành phố Hòa Bình) doanh thu bình quân trên 2,1 tỷ/năm; mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của hộ Bùi Văn Tường, xã Sào Báy (huyện Kim Bôi) doanh thu bình quân trên 900 triệu/năm; mô hình chăn nuôi gà kết hợp trồng cây ăn quả có múi của hộ Nguyễn Mạnh Hà, xã Liên Sơn (huyện Lương Sơn)…trong đó Hội Nông dân các huyện đứng tên 8 nhãn hiệu tập thể (Thổ cẩm Mai Châu; Rau hữu cơ Lương Sơn; Cam Mường Động, Bưởi Mường Động (Kim Bôi), cam Lạc Thủy, bưởi đỏ Tân Lạc; Lợn Bản địa, Gạo J02 (Đà Bắc).
Các hộ nông dân SXKD giỏi đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho trên 302.103 lao động có việc làm thường xuyên và làm theo mùa vụ; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho 27.018 lượt hộ nông dân nghèo, giúp 4.621 hộ thoát được nghèo và đang vươn lên làm ăn khá giả. Qua phong trào, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ nông dân giỏi với các hộ nông dân nghèo đã trở thành nề nếp trong sản xuất và đời sống văn hoá của cộng đồng nông thôn.
Để giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh hỗ trợ hội viên nông dân vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền 39,042 tỷ đồng, cho vay 369 dự án với 4.164 lượt hộ vay thực hiện các dự án, mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả cao.
Góp phần thúc đẩy phát triển các hình thức kinh tế tập thể của tỉnh, 5 qua năm Hội Nông dân các cấp đã trực tiếp vận động hướng dẫn xây dựng, thành lập mới được 124 hợp tác xã, 158 tổ hợp tác, 34 chi hội nghề nghiệp, 228 tổ hội nghề nghiệp, tổng số đến nay là 178 hợp tác xã và 348 tổ hợp tác; 41 chi hội nghề nghiệp, 239 tổ hội nghề nghiệp.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần tương thân, tương ái, các cấp Hội đã kịp thời động viên, giúp đỡ các gia đình hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn, hộ hội viên nghèo bằng các hình thức phù hợp như: vận động cán bộ, hội viên nông dân hỗ trợ xây dựng 79 nhà mái ấm nông dân tặng cho 79 hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn với giá trị tiền mặt là 1.346 triệu đồng và hỗ trợ ngày công, nguyên vật liệu quy đổi bằng tiền là hơn 991 triệu đồng; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ hội viên nghèo, cận nghèo và cộng đồng trong đợt dịch Covid-19.
Kiều Anh