00:00 Số lượt truy cập: 3040390

Nông dân kiếm tiền tỷ từ thu gom rơm bỏ ngoài ruộng 

Được đăng : 06/07/2023
Ông là Lâm Se ở khóm 2, phường 5, TP Sóc Trăng – một tấm gương điển hình vươn lên thoát nghèo, thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm và tạo công ăn việc làm cho nhiều người nghèo khác.

 

 lame

Ông Lâm Se tập kết rơm vào kho

Trước đây, gia đình ông thuộc diện gia đình Khơ me nghèo, vì không có điều kiện để cho ông tiếp tục theo học nên ông phải bỏ giữa chừng để ở nhà phụ gia đình công việc đồng ruộng. Năm 18 tuổi ông tu học tại chùa Som Rong, (Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong còn được người dân địa phương quen gọi là chùa Som Rong tọa lạc tại số 367 Tôn Đức Thắng, phường 5, TP. Sóc Trăng) dạy chữ Khơ me miễn phí cho các em người dân tộc trong chùa và trường học lân cận.

Năm 1987, ông Lâm Se cưới vợ và hai vợ chồng ông ra ở riêng, chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm chi tiêu, tích lũy vốn mua được 10 công đất(1 công = 1000m2). Không chỉ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời với công việc ruộng đồng mà để có thêm thu nhập, có được tài sản tích lũy ông Lâm Se còn làm thêm nghề xe ôm hơn chục năm trời. Tài sản tích lũy của vợ chồng ông là đất, đến nay gia đình ông có 110 công đất ruộng (11ha), mỗi năm cho thu lời từ trồng lúa tầm 300 triệu đồng.

Trở thành hội viên hội nông dân địa phương, được đi tham quan nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, cũng như nhiều kinh nghiệm chia sẻ từ những người nông dân thoát nghèo đi lên giàu có từ 2 bàn tay trắng. Ngoài việc sản xuất lúa 2 vụ, ông Lâm Se trở thành người đi đầu trong phong trào nuôi bò ở địa phương. Đầu tiên, ông đầu tư mua 2 con bê về nuôi, áp dụng phương pháp khoa học, hiện đại, sau 2 năm, ông phát triển đàn lên 7 con. Từ đó, đàn bò sữa đã mang lại thu nhập cho ông khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Thấy nhiều hộ dân bà con thu hoạch lúa xong bỏ lại rơm ngoài đồng rất lãng phí, ông liền thu gom rơm về để giành cho đàn bò ăn dần, bò ăn không hết, ông đem bán. Thấy việc bán rơm rất thuận lợi, may mắn có cơ duyên gặp thương lái thu mua rơm số lượng không hạn chế, mở ra nhiều triển vọng, sau khi đi nhiều nơi tìm hiểu ông quyết định đầu tư máy cuốn rơm với số tiền 300 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi 100% không lãi suất theo Nghị định 68 của Chính phủ để gom rơm bán cho các cơ sở trồng nấm, ủ thức ăn cho gia súc và làm phân bón hữu cơ…

“Năm 2019, tôi mua thêm 3 chiếc máy cuốn rơm nữa để phục vụ thị trường Sóc Trăng. Đến nay, gia đình tôi đã có tổng cộng 6 chiếc máy với trị giá gần 2 tỷ đồng. Với 6 chiếc máy này, mỗi ngày thu gom khoảng 3.000 cuộn rơm trên địa bàn Sóc Trăng. Giá bán hiện tại khoảng 25.000 đồng – 28.000 đồng/cuộn, tôi thu lời tới 50%/cuộn", ông Lâm Se chia sẻ.

Để chủ động được nguồn hàng cung cấp cho đối tác và không bị ép giá khi rơm bị mưa ẩm ướt, ông Lâm Se mạnh dạn đầu tư 4 nhà kho có diện tích trên 2.000 m2 chứa hàng trăm cuộn rơm khô màu vàng ươm thơm phức. Đây là nơi ông tích trữ rơm để bán vào mùa mưa sẽ được giá cao hơn.

Có vốn, có điều kiện ông Lâm Se tiếp tục đầu tư 2 máy cày, 2 máy gặt đập liên hợp để làm dịch vụ cho bà con, mỗi năm cho thu lợi 400 -500 triệu đồng. Cùng với 8ha đất canh tác lúa 2 vụ, buôn bán rơm, mỗi năm trừ chi phí gia đình ông lãi từ 800 – 1 tỷ đồng.

Thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gia đình ông Lam Se luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào do địa phương phát động, chủ động đóng góp các loại quỹ, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, phân bón để bà con cùng vươn lên trong sản xuất. Hiện tại, từ các dịch vụ nông nghiệp, cơ sở của ông Lâm Se còn tạo việc làm cho 12 người dân địa phương với thu nhập ổn định, dao động từ 7 – 10 triệu đồng/tháng.

Với những thành tích đạt được cho bản thân và gia đình, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, ông Lâm Se được các cấp, các ngành Trung ương và tỉnh Sóc Trăng tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, năm ngoái, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Ánh Dương