Vốn là người cần cù, nhanh nhạy với cái mới, ngay sau khi được đi tham quan vùng trồng rau an toàn tại Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) và tỉnh Đồng Nai, ông đã nung nấu quyết tâm sẽ mang những kỹ thuật mới, mô hình mới trong việc làm nông nghiệp ở những nơi mình tham quan về áp dụng ở vùng đất Vĩnh Tân quê ông.
Với diện tích 10.000m2 sẵn có, ông mạnh dạn đầu tư nhà lưới để trồng các loại rau theo quy trình khép kín. Ông áp dụng công nghệ trồng rau an toàn có cải tiến để phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện sẵn có. Hệ thống nhà lưới được làm theo đúng kỹ thuật, lắp ghép bằng những chốt móc, có thể xê dịch khi có gió bão. Đồng thời, áp dụng hệ thống tưới tự động có 3 chế độ tưới: Phun sương, phun tỏa, phun mưa. Nước tưới rau luôn được xử lý kỹ qua bể lọc. Hoạt động trồng rau được ông tuân theo một quy trình khép kín nên cũng khá đơn giản. Đất trồng rau không phun thuốc diệt cỏ, không phun thuốc trừ sâu hóa học. Giống rau được ông nhập từ Đài Loan, Hà Lan, tuyệt đối không dùng giống rau biến đổi gen, không dùng các loại hạt giống, rau giống có xử lý thuốc kích thích sinh trưởng.
Gần với khu nhà lưới, ông đầu tư một hệ thống phục vụ sau thu hoạch, sơ chế rau rất hiện đại. Mỗi ngày, các loại rau an toàn được tập trung về khu vực sơ chế để phân loại, rửa sạch và đóng gói cẩn thận. Trên bao gói có đầy đủ các thông tin cần thiết để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc.
Các loại rau được ông xuất cho các mối hàng với giá dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Mỗi tháng, từ trồng rau, gia đình ông có nguồn thu lên tới cả trăm triệu đồng.
Trồng rau an toàn đem lại năng suất cao hơn gấp 2-3 lần so với trồng rau truyền thống, do đó, ông dự định sẽ phát triển thêm ít nhất 1ha rau an toàn nữa và mở rộng thêm thị trường tiêu thụ trong vùng.
Ảnh: Ông Ánh đang chăm chút cho những luống rau an toàn trong trang trại.
Chung Anh