00:00 Số lượt truy cập: 2986608

Nông dân người Hà Nhì nuôi bò được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc 

Được đăng : 27/09/2023
“Sinh ra trong gia đình thuần nông ở tình miền núi vùng sâu vùng xa, cuộc sống phụ thuộc vào công việc nương rẫy, nhà nghèo, phát hết quả đồi này đến cánh rừng khác, làm quần quật cả ngày cũng không đủ để nuôi 10 miệng ăn trong nhà. 8 đứa con nheo nhóc, cơm độn ngô cũng không đủ ăn, nói gì đến chuyện học hành”. Ông Chang Váng Sinh(người dân tộc Hà Nhì) ở xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) ngậm ngùi chia sẻ.

base6416968913081876386354081111

Đàn bò của gia đình ông Chang Váng Sinh

 

Năm 1997, nhà nước hỗ trợ gia súc cho các xã nghèo để nuôi luân chuyển, gia đình ông Sinh được nhận 10 con bò, với cam kết sau 3 năm nuôi, ông phải chuyển giao bò mẹ cho các gia đình khác. Có động lực, ông Sinh tập trung phát triển chăn nuôi. Chỉ sau 3 năm, từ hai bàn tay trắng đã có được chút vốn kha khá với 7 con bê con. Thấy đàn bò phát triển tốt, ông Sinh bàn với vợ vay thêm vốn ngân hàng chính sách, mua thêm trâu, bò về chăn nuôi. Hơn 20 năm nuôi bò trên thảo nguyên; giờ gia đình ông đã có một gia sản nhiều người mơ ước. Hơn 200 con bò hiện có đem lại cho ông Sinh thu nhập trên 200 triệu đồng/năm

Theo ông Sinh, thảo nguyên Tá Miếu, đất đai rộng lớn, rất phù hợp với việc nuôi trâu bò thả đơn giản, ở nơi này cỏ non rất nhiều, sau Tết Nguyên đán, ông thả bò vào rừng, vài ngày lại đi kiểm tra. Cứ thế đến hết mùa mưa thì đưa đàn bò về trú đông, tránh rét tại bản.

Để đàn bò phát triển tốt, ông Sinh dự trữ nguồn thức ăn trước mỗi mùa đông. Nhờ thế đàn bò luôn có thức ăn, có sức chống chịu cái rét cắt da cắt thịt nơi miền biên viễn này. Thức ăn cho bò được ông dự trữ chủ yếu là rơm khô và rơm ủ muối. "Ở đây rét lắm. Mùa đông không thể thả rông đàn bò vài trăm con, mình phải dự trữ thức ăn cho chúng" - ông Sinh tâm sự.

Quá trình nuôi thả trâu bò cũng không chỉ là thuận lợi, năm 2009 tai ương ập xuống gia đình ông Sinh cũng như những người dân nuôi trâu, bò trong bản Tá Miếu khi dịch lở mồm long  móng của trâu bò tràn qua bản ông từ bên kia biên giới. "Năm đấy trời lạnh hơn, sương trắng thảo nguyên, tôi rất lo cho đàn trâu, bò. Tôi bàn với vợ, làm xong cái bếp sẽ vào rừng đưa trâu, bò về. Chưa kịp đi kiểm tra đàn trâu, bò thì người dân trong bản báo tin, đàn bò của tôi bị chết 2 con trong núi. Lòng như lửa đốt, tôi cùng vợ đi kiểm tra thấy trâu bò bị bệnh lở mồm long móng, mấy trăm con đều bị" - ông Sinh cho biết.

Có ngày nhà ông chết gần chục con trâu bò, mỗi lần dân bản chạy về báo tin trâu, bò chết ở đâu là lòng ông như lửa đốt, đứt từng khúc ruột. Lại mất công đến nơi, đào hố để tiêu hủy những con chết. Đợt dịch ấy, thiệt hại cho đàn trâu, bò của nhà ông lên đến gần 1 tỷ đồng khi 40 con bò, gần 50 con trâu bị chết vì bệnh chỉ trong vòng hơn 1 tháng.

Còn nước còn tát, ông Sinh chạy vạy khắp nơi tìm thầy, tìm thuốc để cứu chữa cho đàn gia súc, và may mắn ông Sinh đã cứu được một phần đàn bò. Cũng từ trận dịch khủng khiếp ấy, ông Sinh đã rút ra được nhiều kinh nghiệm chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Bây giờ, mỗi năm 2 lần ông đều đặn mua vaccine, thuê cán bộ thú y xã đến tiêm phòng cho đàn gia súc. 

Khiêm tốn khi nói về trang trại bò của ông hiện tại, ông Sinh cho hay "Trang trại của tôi có đáng là gì so với các trang trại chăn nuôi hàng chục nghìn con trâu, bò trên cả nước. Nhưng đấy là những nơi có điều kiện kinh tế để chăn nuôi. Còn trang trại của tôi phụ thuộc nhiều vào tự nhiên và mô hình cũng nhỏ". Theo ông Sinh thì vài năm trở lại đây giá trâu, bò trên thị trường giảm mạnh, cũng ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của gia đình. Trung bình một con bò trên 2 tạ trước bán trên 25 triệu đồng, giờ bán giỏi cũng chỉ được 18 triệu đồng. 

Bước qua tuổi 70, sức khỏe đã giảm đi nhiều, nhưng ông Sinh canh cánh trong lòng làm sao để người dân Hà Nhì trên cao nguyên Tá Miếu có cuộc sống tốt hơn. "Tôi bây giờ như người về ở ẩn, gia sản cũng đã chia cho con cháu. Nhưng vẫn muốn hướng dẫn kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con trong xã phát triển kinh tế. Mình có tuổi rồi, phải hướng dẫn lớp trẻ làm ăn tốt, như thế mới yên tâm".

Với những thành tích đạt được trong sản xuất, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ cho nhiều hộ bà con về giống, kinh nghiệm chăn thả, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương đang còn nhiều khó khăn, ông Chang Váng Sinh xứng đáng là tấm gương sáng cho bà con noi theo. Vinh dự đến với ông khi được Hội đồng bình chọn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lựa chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”. Lễ tôn vinh sẽ được tổ chức vào tháng 10 tới đây nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội.

Phương Anh