Anh sinh ra và lớn lên từ một gia đình nông dân nghèo nên việc học hành của anh cũng chẳng đến nơi đến chốn vì còn phải bươn trải cuộc sống phụ giúp bố mẹ lo cho gia đình. Lớn lên, khi lập gia đình và ở riêng, được bố mẹ chia cho 6 sào ruộng cùng một ít nương bãi để lập nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm gắn bó với ruộng lúa, vườn ngô, vườn sắn mà kinh tế gia đình vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Trăn trở từng đêm để tìm cách vượt khó làm giàu, anh nhận thấy, một số vùng ở địa phương trồng na ăn rất ngon, phù hợp với vùng đất của mình, thế là anh đã quyết định chuyển đổi diện tích từ đất bãi trồng ngô, trồng sắn chuyển sang chuyên trồng cây na.
Đến nay, mô hình trồng cây ăn quả của gia đình đã trở thành mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương. Thời kỳ đầu, ông trồng được khoảng 900 cây na dai. Sau 3 năm, na cho thu quả, chất lượng quả na ngọt sắc, múi dày và bán được giá cao, hiệu quả thu lại gấp nhiều lần so với trồng ngô. năm 2005, nhận thấy cây na phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại đây, gia đình anh mạnh dạn quyết định mở rộng số lượng cây na lên 2.000 cây và phát triển tiếp lên trên 3.000 cây. Thiếu đất canh tác, ông thuê đất, mua đất bãi để mở rộng diện tích trồng na. Na của ông đạt năng suất khá cao, chất lượng quả tốt; đến mùa, thương lái đến tận vườn mua. Thị trường tiêu thụ na khá tấp nập, ông Lợi chủ động mua 1 xe ô tô tải 1,5 tấn để chở đi tiêu thụ tại Hà Nội.
Khi đưa sản phẩm na đến thủ đô, anh đã tìm hiểu và nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng về các loại sản phẩm có chất lượng cao. Nhờ đó, anh đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi cũng như tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt của Hội Nông dân các cấp tổ chức, từ đó có thêm kiến thức để phát triển thêm giống na Thái quả to chất lượng cao, bán được giá. Sau chuyến học hỏi kinh nghiệm trồng na ở Đông Triều - Quảng Ninh, anh đã chủ động áp dụng phương pháp cắt tỉa cành, thụ phấn cho cây. Nhờ vậy, cây na nhà anh cho quả to, ngọt hơn trước. Cùng với đó, anh còn đẩy mạnh chăm sóc cây, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và thâm canh tăng vụ để nâng giá trị kinh tế. Nếu như trước đây, cây na chỉ cho 1 vụ/ năm thì nay, với việc áp dụng phương pháp mới, na đã tăng 2 vụ/năm với chất lượng ngày càng cao. Đồng thời, anh cũng chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn bà con nông dân quanh vùng cùng cách trồng na trái vụ để cùng nhau phát triển, theo kinh nghiệm của anh và bà con nông dân quanh vùng là khi vụ mùa tháng 6 - 7 thu hoạch na xong, cắt, tỉa cành và chăm sóc cho cây na thì na sẽ ra hoa, sau khoảng 3 tháng 15 ngày là na chín, khi đó là tháng 10, tháng 11 bán rất đắt hàng vì các nơi đã hết vụ na.
Diện tích gia đình trồng na có hơn 3.700 cây bao gồm cả na Thái và na dai, trong đó có 1.500 cây là trái vụ, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP góp phần củng cố thương hiệu sản phẩm, cung cấp nông sản chất lượng cao của tỉnh Lạng sơn ra thị trường. Cùng với thế mạnh cây na, anh còn đầu tư trồng thêm cây ăn quả khác như: mít, táo, bưởi da xanh, cam Vinh cho thu lãi gần 200 triệu đồng. Mô hình trang trại của gia đình anh giúp giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/tháng, trung bình mỗi năm, trừ chi phí các loại, gia đình anh thu lợi trên 1 tỷ đồng.
Không chỉ là hội viên Hội Nông dân có mô hình cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao mà anh còn là người gương mẫu đi đầu trong các phong trào xã hội. Anh luôn giúp cho nhiều hộ nông dân kỹ thuật trồng na, cách chăm sóc, tích cực vận động bà con nông dân trong vùng tập trung chuyển đổi mô hình phát triển cây dai và na Thái, cùng bà con kiểm soát phun thuốc, chăm sóc vườn tuân thủ theo tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap. Năm 2020, na của xã Cai Kinh đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ngoài ra, anh còn đóng góp cho xã trong phong trào xây dựng nông thôn mới, hiến hơn 600 m2 đất và hàng chục triệu đồng của gia đình để làm đường liên thôn, liên xã, vận động bà con cùng tham gia ủng hộ trên 100 triệu đồng và ngày công để xây dựng đường xá. Nhờ vậy, mà tuyến đường là đoạn đường nhỏ hẹp, ghồ ghề, phương tiện giao thông khó có thể đi lại trước kia, thì nay đã là con đường liên xã Cai Kinh - Yên Sơn đoạn qua thôn Đồng Ngầu được mở mới với chiều dài gần 4km, sau khi đưa vào sử dụng đã giúp nhân dân tại 2 xã lưu thông thuận lợi.
Cùng với đó, anh liên tục được ghi nhận là cá nhân điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong nhiều năm. đồng thời, anh còn luôn gương mẫu đi đầu trong nhiều phong trào của Hội Nông dân xã, giúp các hộ nghèo vươt lên thoát nghèo và làm giàu, đóng góp ủng hộ các nguồn quỹ như: quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, chất độc màu da cam… tại địa phương.
Với những thành tích như vậy, anh được tặng rất nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành trong những năm vừa qua. Năm 2022, Mô hình làm kinh tế giỏi của anh đã vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen và công nhận đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc tại thủ đô Hà Nội.
Tiến Trình