Lớp dạy nghề thêu ren thủ công tại xã Ninh Hải, H. Hoa Lư
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã vận động, khuyến khích các hộ nông dân chủ động liên kết hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác... đặc biệt là tổ liên kết, chi tổ hội nghề nghiệp. Hoạt động liên kết giúp nông dân tăng thu nhập rõ rệt.
Qua hoạt động liên kết sản xuất, nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhiều mô hình đã phát triển mạnh, hiệu quả góp phần mang lại thu nhập cao cho hội viên nông dân.
Để hội viên hiểu được tầm quan trọng của việc hình thành các mô hình phát triển kinh tế, Hội Nông dân tỉnh đã thường xuyên lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa cũng như vai trò của việc tham gia các mô hình kinh tế tập thể... thông qua các kỳ sinh hoạt chi, tổ Hội định kỳ. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, trao đổi tọa đàm, cầm tay chỉ việc... cho hội viên có thêm kiến thức áp dụng vào thực tế.
Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đang nhận ủy thác và cho vay vốn từ các ngân hàng với tổng dư nợ đạt 11.760 tỷ đồng cho 98.936 lượt hội viên vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh và xây dựng mô hình. Các cấp Hội còn vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đạt trên 37 tỷ 237 triệu đồng. Hỗ trợ và thành lập được 191 tổ hợp tác; 44 hợp tác xã nông nghiệp và 14 chi hội nghề nghiệp.
Nhiều tổ hợp tác, tổ liên kết, tổ hội nghề nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi như: Tổ hợp tác chăn nuôi hươu lấy nhung tại H.Nho Quan, chi hội nghề nghiệp du lịch cộng đồng tại H. Hoa Lư với tổng số tiền 500 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND cho 6 hộ vay tại xã Ninh Hải; Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ và nuôi ong Cúc Phương... Nhờ các nguồn vốn vay ưu đãi, đã hỗ trợ kịp thời cho những nông dân và tổ liên kết có vốn phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, các cấp Hội ND trong tỉnh còn chủ động thông tin, giới thiệu các mô hình HTX và THT điển hình tới các cấp Hội cơ sở nhằm cung cấp kịp thời mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả để học tập nhân rộng và tìm kiếm thêm đầu ra cho hội viên nông dân.
Hội ND huyện Hoa Lư đã tổ chức thành lập Tổ hội nghề nghiệp chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân và được nhiều hội viên hưởng ứng và tham gia với 30 thành viên. Sau 3 năm triển khai, hiện nay số lượng thành viên đã tăng lên gần 40 hộ. Ông Trần Văn Nghĩa - thành viên tổ hội cho biết: “Tham gia tổ hội nghề nghiệp này, chúng tôi thường xuyên họp bàn và trao đổi với nhau về kinh nghiệm, chia sẻ về công việc. Ví dụ, hộ nào nhận được số lượng công việc lớn, thời gian giao hàng nhanh mà không đủ nhân lực và nguồn lực để làm thì chúng tôi họp bàn tổ sau đó cùng nhau chia người và gọi vốn để hộ đó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và ký được hợp đồng, qua đó hỗ trợ cho nhau lúc khó khăn. Bên cạnh đó, khi tham gia tổ hội chúng tôi bàn luận, có tiếng nói chung để bình ổn về giá cả trên thị trường”. Hiện nay, thu nhập bình quân của các hộ tham gia vào Tổ hội nghề nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân đạt từ 250 - 350 triệu đồng/năm.
Cũng tại huyện Hoa Lư, xã Ninh Hải trước đây chỉ có số ít hội viên nông dân tham gia vào việc phát triển du lịch tại địa phương nhưng những năm trở lại đây du lịch phát triển nên nhiều hộ nông dân đã mở dịch vụ lưu trú cho khách du lịch. Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và thành lập “Chi Hội nghề nghiệp Du lịch cộng đồng phát triển bền vững xã Ninh Hải” gồm 30 thành viên góp phần giúp cho các hộ nông dân ở đây liên kết cùng phát triển.
Để chi hội nghề nghiệp du lịch cộng đồng phát triển bền vững xã Ninh Hải đi vào hoạt động ổn định, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai một số hoạt động cụ thể hỗ trợ chi Hội nghề nghiệp như: Tổ chức các hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật, bảo vệ môi trường, nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng; kỹ năng quản lý và điều hành Hợp tác xã cho hội viên chi Hội; Hỗ trợ 20 thùng rác, 5 xe chở rác, 15 logo tuyên truyền bảo vệ môi trường; xây dựng tuyến đường chi Hội tự quản về an ninh trật tự và bảo vệ môi trường; Tổ chức 02 lớp dạy nghề thêu ren truyền thống cho chi Hội nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh đã giải ngân 500 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân nguồn tỉnh, tổ chức gắn biển 03 Điểm dịch vụ du lịch thân thiện môi trường hỗ trợ hội viên chi Hội phát triển hoạt động dịch vụ du lịch; Huy động sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp, nghệ nhân tại địa phương tham gia xây dựng chi Hội nghề nghiệp, trong đó Doanh nghiệp Thêu Minh Trang tự nguyện mở 02 lớp dạy nghề thêu ren miễn phí cho hội viên chi Hội.
Bà Lê Thị Thảo - thành viên chi hội nghề nghiệp du lịch cộng đồng cho biết: “Sau khi tham gia vào chi hội nghề nghiệp, chúng tôi đã được vay vốn để mở rộng và xây dựng mô hình homestay (dịch vụ lưu trú), tham gia các lớp tập huấn và đặc biệt chúng tôi liên kết với nhau để cùng có khách và tránh phá giá phòng”. Gia đình bà Thảo làm dịch vụ lưu trú được gần 2 năm nay, mỗi năm gia đình bà đón hàng nghìn lượt khách với các dịch vụ trải nghiệm như câu cá tại ao, trồng lúa cùng nông dân...
Ông Đinh Hồng Thái - Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết: “Việc tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể sẽ giúp cho hội viên nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa; giải quyết tình trạng sản xuất manh mún trong nông nghiệp và tạo ra khối lượng sản phẩm lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Việc liên kết sản xuất của nông dân thông qua các mô hình kinh tế tập thể đang là hướng đi đúng. Thời gian tới, các cấp Hội ND trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền cùng với đó thành lập thêm các tổ liên kết, tổ hợp tác... Qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho hội viên nông dân tại địa phương”.
Lê Bích