Với mô hình chăn nuôi gà đồi theo hướng an toàn sinh học, anh Ngô Trọng Hiển ở xã Thuỵ An, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội nhiều năm liền đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố. Câu chuyện làm giàu của anh Hiển không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế gia đình mà còn lan tỏa tới phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương.
Sinh ra và lớn lên ở xã Thụy An, huyện Ba Vì - vùng đất nổi tiếng với thương hiệu "gà đồi Ba Vì", không biết từ khi nào, anh Hiển đã có niềm đam mê đối với nghề chăn nuôi gà. Nhận thấy xu hướng của xã hội hiện đại đang cần những sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch. Vì vậy, anh Hiển đã ấp ủ dự định chăn nuôi gà an toàn sinh học để vừa mang đến sản phẩm sạch cho người dân, vừa bảo vệ môi trường và giúp giải quyết công ăn việc làm cho người nông dân. Anh Hiển chia sẻ, anh khởi nghiệp vào đầu năm 2002, với nguồn vốn chỉ vỏn vẹn 7 triệu đồng để đầu tư vào khoảng 100 con gà. Gà lớn dần, đến ngày có thể xuất chuồng thì lăn ra chết hàng loạt vì dịch. Lúc ấy, cả gia đình, người thân đều khuyên nhủ anh đổi hướng làm ăn, nhưng anh vẫn không chùn bước.
Mô hình nuôi gà sinh học mang lại giá trị kinh tế cao của anh Ngô Trọng Hiển.
Anh tiếp tục nghĩ cách, xoay xở và theo đuổi đến cùng con đường mà mình đã chọn. Để có thêm kiến thức nghề chăn nuôi, anh đi học bổ túc về sơ cấp thú y, nghiền ngẫm các kinh nghiệm chăn nuôi truyền thống kết hợp với tìm hiểu và học kỹ về quy trình tiêm vắc xin chống dịch cho gà từ các công ty thuốc. Tuy nhiên, khi có đủ kiến thức và tự tin về kỹ thuật chăn nuôi gà thì anh lại vướng phải bài toán đầu ra…
Thua keo này thì bày keo khác, nghĩ là làm, anh Hiển chịu khó tìm hiểu kinh nghiệm ở nhiều trang trại gà khác, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn để nắm vững phương pháp nuôi gà an toàn sinh học. Để đầu tư mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, anh Hiển đầu tư xây dựng chuồng trại rất bài bản, hiện đại. Theo đó, với tổng diện tích hơn 30.000m2, anh Hiển bố trí các khu ấp trứng, khu nuôi gà bố mẹ, khu nuôi gà thương phẩm riêng biệt.
Anh Hiển chia sẻ thêm: Ngoài việc lựa chọn con giống đảm bảo thì việc vệ sinh chuồng trại cũng quan trọng không kém. Đặc biệt, với thời tiết nóng, lạnh bất thường của miền Bắc gà dễ bị bệnh thì chuồng trại phải thoáng mát. Sau khi xuất bán một lứa gà phải để trống chuồng trại từ 15 – 20 ngày để vệ sinh, phun thuốc sát trùng, rắc vôi rồi mới cho lứa tiếp theo vào chuồng.
Các chuồng nuôi được đầu tư hệ thống giàn lạnh làm mát, uống nước tự động. Ngoài ra, anh còn kết hợp trồng cây ăn quả tạo sân chơi và không gian cho đàn gà. Để thịt gà thơm ngon hơn, ngoài việc thả gà ra môi trường tự nhiên, không gian vận động rộng, theo anh Hiển còn phối trộn thêm ngô hạt, khô đậu tương, cám gạo, chế phẩm sinh học theo tỷ lệ nhất định để làm thức ăn sinh học cho đàn gà.
Lò ấp trứng là một thành tựu đáng kể sau bao nỗ lực phát triển của anh Hiển. Bắt đầu hoạt động từ năm 2007, lò ấp trứng của anh đã góp phần lớn trong việc hỗ trợ bà con địa phương trong việc mở trang trại. Theo chia sẻ của anh, anh đã giúp đỡ được khoảng 5 – 6 xã thuộc huyện Ba Vì trong việc phát triển kinh tế từ chăn nuôi gà. Anh trực tiếp hỗ trợ từ con giống đến vắc xin chống dịch rồi chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Có nhiều gia đình được anh hỗ trợ cho vay con giống và vắc xin tới lúc nào có lãi mới trả nợ. “Có những trang trại sau hai năm mới có trả nợ tôi cũng không sao”, anh Hiển cho biết. Đến nay, lò ấp trứng của anh hoạt động với công suất lên đến 4 vạn trứng/ mẻ.
Hiện trang trại nuôi gà của anh Ngô Trọng Hiển có quy mô lớn nhất xã Thuỵ An. Với quy mô nuôi 10.000 con gà đẻ, cung cấp trên 100 tấn gà thịt/năm; cung cấp 80 vạn gà giống/năm. Anh Hiển tự hào kể,trang trại của anh hiện đang có 4 công nhân chính và 2 công nhân vụ mùa. Họ đều là người dân địa phương, đến trang trại làm việc mỗi ngày theo lịch chăm sóc đàn gà và công việc của trang trại, xong việc thì ai về nhà nấy. “Tôi đang trả 80 triệu/ năm lương cho mỗi công nhân chính. Còn công nhân thời vụ thì cũng trong khoảng 40 – 50 triệu/ năm. Năm ngoái, tổng thu nhập của trang trại tôi là 18 tỷ. Còn tính trung bình mỗi năm thì thu nhập của trang trại khoảng 15 – 16 tỷ/năm.
Năm 2021, để có thể phát triển thương hiệu gà đồi Ba Vì và đảm bảo các vấn đề về pháp lý để đưa thương hiệu gà đồi Ba Vì ra thị trường, liên kết với các đơn vị lớn, tìm đầu ra cho sản phẩm, các thành viên trong Hội gà đồi Ba Vì đã liên kết với nhau và thành lập Hợp tác xã chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì.
Sau khi được thành lập, Hợp tác xã đã hỗ trợ các thành viên trong hợp tác xã, trong đó có anh Hiển bằng cách liên kết với rất nhiều đối tác để tìm đầu ra cho sản phẩm, có thể kể đến như hệ thống siêu thị Metro, Lan Chi mart, Mini mart, Lote, chuỗi siêu thị Bác Tôm… Các thành viên sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận với các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân lớn, đồng thời đầu ra sản phẩm cũng được đảm bảo, từ đó có thể an tâm sản xuất và mở rộng mô hình phát triển.
Qua quá trình gắn bó với nghề nuôi gà, nhờ chịu khó, ham học hỏi và say mê tìm tòi, anh Hiển đã trở thành một trong những hộ chăn nuôi tiêu biểu của xã Thụy An. Đặc biệt, với vai trò là một thành viên của Chi hội Chăn nuôi gà đồi xã Thụy An, anh Hiển đã tích cực vận động và hỗ trợ nhiều hộ nông dân khác trong xã cùng phát triển nuôi gà thả đồi. Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng thu nhập và đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm gà đồi Ba Vì./.
Thu Hà