00:00 Số lượt truy cập: 2982501

Nông dân tỉnh Phú Yên đẩy mạnh xây dựng mô hình, dự án khoa học công nghệ cho nông dân 

Được đăng : 02/07/2020

 

Thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Phú Yên đến năm 2020. Trong đó, tập trung nghiên cứu mô hình nông lâm kết hợp theo quy mô trang trại trên vùng gò - đồi và vùng cát; nghiên cứu chọn lọc giống lúa thâm canh và xây dựng quy trình trồng lúa năng suất cao, chất lượng cao gắn thị trường tiêu thụ lúa gạo ở địa phương;khảo nghiệm và ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, đưa vào đại trà để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế. Đặc biệt tập trung vào cây trồng, vật nuôi chủ lực, mũi nhọn của tỉnh như lúa, sắn, mía, hồ tiêu, rừng trồng nguyên liệu, chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản.

Ứng dụng KHCN nhằm bảo tồn và phát triển các vật nuôi phù hợp ở Phú Yên cho vùng nông thôn, miền núi (bảo tồn và phát triển các giống bản địa và hoang dã). Nghiên cứu hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thông qua việc nghiên cứu về thị trường nông sản, giải quyết được đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến để sản xuất một số loại giống thủy sản có giá trị, phục vụ nhu cầu của tỉnh và các tỉnh lân cận. Ứng dụng các giải pháp phòng chống dịch bệnh có hiệu quả trên cây lương thực, cây công nghiệp, rau màu, cây ăn quả và hoa giúp nông dân hạn chế được dịch bệnh, nâng cao năng suất và thu nhập. Nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm phòng chống bệnh cây trồng do nấm gây bệnh trên một số loại cây trồng ở Phú Yên. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Ứng dụng mô hình chăn nuôi quy mô công nghiệp, hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh trong sản phẩm thịt. Nghiên cứu ứng dụng KHCN trong khai thác, chế biến, bảo quản thủy sản, đảm bảo hiệu quả, chất lượng trong chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Áp dụng công nghệ mới trong công tác bảo vệ thực vật. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen trong cây trồng để có những giống cây trồng có sản lượng cao, thích nghi được với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và đặc điểm sinh thái của tỉnh.

Thời gian qua, ngành khoa học và công nghệ đầu tư nghiên cứu triển khai các dự án khoa học và công nghệ và đạt được những kết quả tích cực góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể rượu Quán Đế", muối Tuyết Diêm, sản phẩm tôm hùm bông (P. Ornatus), cá Ngừ đại dương, nước mắm Phú Yên, sò huyết Ô Loan. Chuyển giao công nghệ xây dựng mô hình nông nghiệp 4.0 trong sản xuất một số loài hoa lan (hồ điệp, đai châu) và hoa hồng môn; nhân rộng mô hình trồng hoa Lily; mô hình trồng hoa Cúc; hỗ trợ quản lý và phát triển nhãn hiệu dứa Đồng Dinh, bò một nắng, tiêu Sơn Thành, ….  nghiên cứu xây dựng các mô hình nuôi trồng đối với một số sản phẩm mới, đối tượng mới như: Rong nho, cà gai leo, nấm bào ngư, nhân sâm Phú Yên,Xáo Tam phân, hàu Thái Bình Dương, cá chình bông trong ao đất, lươn đồng, gạo lúa đỏ…; các sản phẩm nói trên đã từng bước hình thành các làng nghề và sản phẩm mang nét đặc trưng của địa phương, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Một số kết quả nổi bật cụ thể như sau:

Tuyển chọn giống lúa gạo năng suất cao, phẩm chất tốt từ nguồn gen lúa siêu xanh (Green Super Rice –GSR) thích nghi với biến đổi khí hậu tại Phú Yên

Xây dựng được 04 “mô hình trình diễn giống lúa thuần” đạt năng suất trung bình 7,87 – 8,32 tấn/ha; Hiệu quả kinh tế của “mô hình trình diễn” tăng 30,5 - 36,7% so với giống lúa thuần đại trà. Đã chuyển giao và được đưa vào cơ cấu giống sản xuất lúa 02 vụ, sản xuất rộng rãi trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tập huấn cho người nông dân kỹ thuật thâm canh lúa thuần đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lúa gạo, góp phần hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu ngành trồng trọt tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2018-2020.

Ứng dụng KHCN trong nhân giống và sản xuất chuối theo hướng công nghiệp ở vùng trung du và miền núi tại Phú Yên (11/2016 -11/2020).

Đã phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng thâm canh với số lượng 300 lượt nông dân tham gia; Đào tạo kỹ thuật viên về nhân giống và trồng thâm canh cây chuối cấy mô; Xây dựng mô hình trồng thâm canh cây chuối tại các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Tuy An với diện tích 20ha. Qua triển khai dự án đã thay đổi tập quán canh tác và sử dụng nguồn giống sạch bệnh; đẩy mạnh hình thành vùng nguyên liệu theo hướng công nghiệp; hình thành mô hình chế biến chuối từ doanh nghiệp, có thị trường đầu ra trong tiêu thụ chuối, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, phát triển bền vững.

Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất bắp và chế biến thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua cung cấp cho chăn nuôi bò trong các nông hộ và trang trại (9/2017 – 8/2020)

Xây dựng quy trình sản xuất cây bắp lấy thân còn nguyên bắp (thu hoạch 80-85 ngày) đạt năng suất cao, sử dụng cơ giới hóa cây bắp như làm đất, trồng kết hợp bón phân, chăm sóc, thu hoạch bằng những máy thiết bị nhỏ gọn, phù hợp đồng ruộng tại tỉnh Phú Yên và đánh giá hiệu quả so cây trồng khác.

Xây dựng cơ sở vật chất và tiếp nhận công nghệ sản xuất cây bắp ủ chua, bảo quản thức ăn thô dự trữ công suất 4.000 tấn/năm, sản phẩm cung cấp cho việc phát triển chăn nuôi bò trong tỉnh, các trại chăn nuôi tập trung, định hướng khi kết thúc dự án mở rộng vùng nguyên liệu thu mua chế biến: 30.000 tấn sản phẩm/năm, sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Xây dựng mô hình sử dụng cây bắp ủ chua trong chăn nuôi bò tại nông hộ và trang trại trên địa bàn huyện Tuy An quy mô 40 con cho 20 hộ mô hình dùng thức ăn ủ chua (chọn hộ có bò nuôi vỗ béo cùng lứa từ 180-200kg/con).

Đào tạo 6 kỹ thuật viên tiếp nhận quy trình công nghệ trồng cây bắp thâm canh ngoài đồng ruộng, chế biến ủ chua sau thu hoạch cây bắp còn nguyên bắp (80-85 ngày) chăn nuôi vỗ béo bò thịt.

Tập huấn 6 lớp kiến thức cho các hộ nông dân tham gia mô hình về kỹ thuật thâm canh trồng bắp lấy thân còn nguyên trái với 250 nông dântham gia; kỹ thuật vỗ béo bò sử dụng sản phẩm cây bắp ủ chua làm thức ăn quy mô hộ gia đình và trang trại để làm nòng cốt nhân rộng sau khi kết thúc dự án. Sau khi tập huấn kỹ thuật giúp cho các hộ nông dân thấy được hiệu quả của việc trồng thâm canh bắp lấy cây.

Nghiên cứu biện pháp phòng trừ tổng hợp rệp sáp bột hồng (Phenacoccus Manihoti matile-Ferrero) hại sắn tại Phú Yên và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ

          Đã nhân và thả khoảng 50.000 ong Anagyrus lopezi phòng trừ rệp sáp bột hồng, phục vụ các thử nghiệm và mô hình tại 3 huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Tuy An.  Xây dựng được 3 mô hình cho 08 hộ gia đình (5 ha/mô hình) tại 3 huyện nói trên. Tập huấn 3 lớp (50 người/lớp) chuyển giao Kỹ thuật Phòng trừ RSBH và 1 số sâu bệnh chính hại sắn cho nông dân ở 3 huyện.

Tính toán hiệu quả kinh tế cho thấy lãi ở mô hình Đồng xuân là 30,86 triệu/ha cao hơn nhiều so với Sông Hinh là 24,725 triệu/ha và Tuy An là 10,08 triệu. Chênh lệch so với đối chứng là 4,526 triệu/ha (hiệu quả tăng 22,4%) ở Sông Hinh, Đồng Xuân là 5,18 triệu đồng (hiệu quả tăng là 20,17%) và Tuy An là 4,63 triệu (hiệu quả tăng 17,68%).

Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi cua lột trong hệ thống bể tuần hoàn quy mô nông hộ tại Phú Yên

Hệ thống bể tuần tuần hoàn nuôi cua lột đã được thiết kế, lắp đặt và hoạt động theo quy mô hộ gia đình với 6 bể nuôi.

Các yếu tố môi trường trong hệ thống nuôi được kiểm soát chặt chẽ trong các quá trình hoạt động nuôi cua lột, ổn định và trong phạm vi tiêu chuẩn chất lượng nước cho nuôi cua. Tỷ lệ sống của cua trong thí nghiệm nuôi bằng thức ăn tươi (cá liệt, cá cơm, cá trích và mực đạt 87,3-94 %, Tỷ lệ cua lột vỏ trong thí nghiệm thức ăn tươi đạt 74- 82 %. Các loại thức ăn tươi thí nghiệm đều thích hợp cho nuôi cua lột, nhưng tốt nhất là cá liệt.

Tỷ lệ sống của cua trong thí nghiệm nuôi bằng thức ăn chế biến đạt 88- 95%, Tỷ lệ cua lột vỏ trong thí nghiệm thức ăn chế biến đạt 73-87,5%.

Thông qua việc triển khai xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ cho nông dân đã giúp cho nông dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ; những tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều mô hình sử dụng ít vốn nhưng lợi nhuận tăng (3-4 lần); các mô hình đã triển khai, nông dân được hưởng lợi và được tập huấn chuyển giao khoa học và công nghệ làm cho hoạt động của Hội phong phú thiết thực hơn sát với nhu cầu, thực tế  của hội viên, nông dân; nâng cao năng lực cán bộ Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; thu hút, tập hợp nông dân vào tổ chức Hội. Đẩy mạnh xây dựng và triển khai các dự án khoa học công nghệ và công nghệ tại địa phương đã hướng dẫn, khuyến khích và hỗ trợ cho hội viên, nông dân tham gia ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc chương trình hỗ trợ, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn.

 

(Trình Vi)