Ông Lê Văn Cần, ở huyện Ý Yên (Nam Định) trải qua không ít khó khăn, cam go, rồi ý chí vươn lên làm giàu đã giúp ông thành công, trở thành tỷ phủ nuôi lợn và được bình chọn nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
Năm 1983 ông theo học khoa thú y tại Trường Nông lâm Sài Gòn (nay là Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM). Qua trình theo học do cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, để trang trải học phí và cuộc sống, ông Cần trốn ra ngoài làm thuê cho một trại chăn nuôi lợn của một gia đình quê gốc Hải Dương.
Công việc học bị bỏ dở giữa chừng khi ông quyết định thôi học và trở ra Bắc năm 1985 để đi thao làm công trình tận Hà Giang. Công việc khó nhọc và nguy hiểm, thu nhập không đủ ăn nên ông lại quyết định trở về quê để khởi nghiệp.
Nhận thấy nếu gắn bó với quê nhà thì chỉ còn cách là gắn bó với đồng ruộng và công việc chăn nuôi. Năm 1990, ông bắt đầu nuôi lợn và làm vườn. Lứa lợn đầu tiên của ông chỉ là đàn lợn 10 con. Vón có sẵn kiến thức về chăn nuôi được học ở nhà trường và trong thời gian đi làm thuê, ông phất triển dần đàn lợn của mình lên đên hơn 100 con/lứa. Đến năm 2001, ông Cần chuyển sang mô hình nuôi lợn nái ngoại, với tổng đàn 10 con. Đây là mô hình nuôi lợn nái ngoại đầu tiên của huyện.
Mặc dù từng được học về chăn nuôi thú y, nhưng ông Cần vẫn phải ngậm ngùi nhìn đàn lợn hơn 100 con cả lợn nái cả lợn con bị buộc tiêu hủy khi dịch heo tai xanh giáng xuống đàn lợn của gia đình ông vào năm 2007, ước tính thiệt hại trên 300 triệu đồng.
Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ về tương lai, chẳng còn cách nào khác ngoài việc gây dựng lại từ đầu. Ông quyết định tái đàn từ nguồn vốn hỗ trợ 9 triệu đồng của Trung tâm Khuyến nông huyện Ý Yên. Nhận thấy đất ruộng làm nông nghiệp bà con nơi đay bỏ hoang quá nhiều, ông Cần mạnh dạn xin nhận đất để phát triển trang trại và nhận được sự ủng hộ của bà con và chính quyền nơi đây.
Ban đầu ông luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ cá mỗi năm cho thu nhập vài chục triệu đồng. Thấy trồng lúa không mấy hiệu quả, ông đã xin địa phương cho chuyển đổi đất trồng lúa sang đất chăn nuôi và trồng cây ăn quả: bưởi Diễn, mít Thái… Sau 6 năm chuyển đổi, hiện nay trang trại thường xuyên có 500 con lợn thịt, lợn nái gần 100 con; 3 ao thả nuôi cá; 300 gốc bưởi Diễn; 150 gốc mít Thái; 100 gốc nhãn chín muộn cho lãi 2,5 tỷ đồng/năm.
Nhờ biết ứng dụng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận và do biết chăm sóc và phòng bệnh tốt nên đàn lợn của gia đình ông phát triển nhanh. Mọi quy trình hoạt động của trang trại được ông Cần vận hành theo mô hình tuần hoàn, bảo đảm sức khỏe môi trường, sức khỏe sinh thái và sức khỏe người lao động.
Chất thải chăn nuôi từ lợn được đưa vào bể chứa Biogas nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua hệ thống lọc, nước thải được tận dụng để tưới cho vườn cây ăn trái; phân lợn được xử lý sau đó ủ thành phân bón hoai mục, bón cho vườn cỏ voi. Cỏ voi đến thời kỳ thu hoạch cắt làm thức ăn cho đàn cá. Các ao cá được thiết kế liên kết với nhau để thuận lợi cho việc vận hành sản xuất, nguồn thu từ việc thu hoạch cá cũng ổn định.
Với sự nỗ lực vượt qua khó khăn để có những thành tích như ngày hôm nay, ông Nguyễn Văn Cần xứng đáng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Mai Dương