00:00 Số lượt truy cập: 2989107

Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Hai mũi nhọn tạo đột phá mới cho nông nghiệp Thủ đô 

Được đăng : 14/05/2020
Triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã chọn nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm những mũi nhọn tạo đột phá cho giai đoạn phát triển mới

 

rauhuucotai-soc-son
Mô hình rau hữu cơ tại Sóc Sơn - Hà Nội

 Nhìn chung trong 5 năm qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã có bước phát triển tương đối toàn diện. Riêng trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp của thành phố tăng trưởng 2,5%. Cơ cấu ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ, giảm tỷ trọng trồng trọt. Trong trồng trọt, thành phố đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng lúa, hoa, cây ăn quả, rau an toàn... Trong chăn nuôi, Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn đứng tốp đầu cả nước. Hiện giá trị sản xuất nông nghiệp của Thủ đô ước đạt 280 triệu đồng/ha canh tác.Hà Nội cũng có số xã đạt chuẩn NTM cao nhất cả nước và cuối năm nay dự kiến đạt 368-371 xã (chiếm 96% số xã). Thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn cũng đạt khoảng 55 triệu đồng/năm.

Với thế mạnh là thị trường trung và cao cấp, cùng nguồn lực khoa học và công nghệ tốt, Hà Nội có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển trở thành trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ hàng đầu vào sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, toàn TP đã xây dựng được 120 mô hình nông nghiệp CNC. Tỷ trọng ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp của toàn TP đã đạt trên 30%. Các mô hình nông nghiệp CNC của Hà Nội tuy quy mô còn nhỏ, nhưng cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống từ 10 - 12%. Nhờ đó, giá trị kinh tế gia tăng từ 25 - 30%.

Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện đại. Hiện nay thành phố có 80-100ha tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tập trung chủ yếu ở các huyện: Sóc Sơn, Long Biên, Thạch Thất. Mặt khác với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Hà Nội có thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 8 triệu dân và hàng triệu khách du lịch mỗi năm... Hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ nên đây là thị trường rất tiềm năng để nông dân Hà Nội hướng tới.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún. Các cơ sở, trang trại, gia trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn ít, trong khi bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Trong khi đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều. Thu nhập của người lao động nông nghiệp vẫn còn thấp hơn nhiều so với lao động ở các ngành kinh tế khác. Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội vẫn còn hạn chế.  Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang đứng trước nhiều khó khăn vì quỹ đất dành cho nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội không nhiều và cần phải có thời gian để cải tạo. Quy mô nhỏ, chi phí đầu tư lớn nên giá thành sản phẩm hữu cơ thường cao gấp 5-6 lần so với sản xuất thông thường. Mặt khác, vì thiếu chứng nhận cũng như bộ tiêu chí cụ thể cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nên người tiêu dùng khó phân biệt được với các sản phẩm khác, có tâm lý e ngại khi phải chi tiêu với số tiền lớn cho loại thực phẩm mà không chắc chắn về chất lượng.

Để nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực sự là mũi nhọn tạo đột phá cho giai đoạn phát triển mới ngành nông nghiệp, trong thời gian tới,  Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững gắn với kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Thành phố sẽ chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Cùng với đó, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh gắn với xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm có công nghệ tiên tiến, hiện đại. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ có công nghệ cao hỗ trợ trong khâu tạo giống, làm đất, bón phân, bảo vệ thực vật... để cho năng suất, chất lượng tốt nhất.

Phúc Nguyên