Ảnh minh họa
Nông nghiệp thông minh là gì?
Nông nghiệp thông minh được hiểu là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (cơ giới hóa, tự động hóa,... ); công nghệ sản xuất, bảo vệ sản phẩm an toàn (hữu cơ, theo GAP…); công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi... gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo (công nghệ thông tin).
Như vậy, nông nghiệp thông minh được áp dụng có thể ở một hoặc nhiều công đoạn từ quá trình sản xuất, quản lý đến khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Từ đó tăng tăng khả năng kết nối giữa người sản xuất với thông tin, quản lý sản xuất tốt hơn, giảm bớt sự phức tạp của các thủ tục hành chính nhiều cấp để sử dụng trực tiếp các dịch vụ công của Nhà nước cho nông nghiệp. Áp dụng nông nghiệp thông minh mục tiêu cuối cùng là nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu các chi phí đầu vào để đảm bảo phương thức sản xuất được tối ưu nhất và hài hòa, nâng cao hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Nông nghiệp Việt Nam với vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế, được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Nông nghiệp nước ta có những tiềm năng, thế mạnh lớn: Đất trồng trọt 10 triệu ha canh tác; hơn 14 triệu ha rừng trồng; có khả năng sản xuất cả 3 nhóm: Nông sản nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới với hàng nghìn giống cây, con, thổ sản quý hiếm. Hằng năm sản xuất 43 - 45 triệu tấn thóc, 5 triệu tấn ngô, 5,8 triệu tấn các loại thịt, 8 triệu tấn thủy sản, 20 triệu mét khối gỗ rừng; sản lượng cà phê thô đứng thứ hai thế giới; hạt tiêu đứng đầu thế giới; cao su đứng thứ 6 thế giới; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu gần 100 triệu dân, là cường quốc xuất khẩu gạo đến với 190 nước, vùng lãnh thổ; kim ngạch xuất khẩu gạo 45 tỉ USD trong những năm qua.
Trong nông nghiệp, đóng góp cao nhất về tăng trưởng là ngành trồng trọt. Sản lượng năm 2021 đạt 43,5 triệu tấn thóc, tăng 800.000 tấn so với 2020. Về lâm nghiệp, xuất khẩu đạt 16,5 tỉ USD, nhất là gỗ và đồ gỗ, đang phấn đấu cán đích 20 tỉ USD. Về thủy sản, khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, nhiều doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng, vừa phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất, tận dụng cơ hội nhu cầu thị trường, giá tốt, xuất khẩu thủy sản các tháng cuối năm đạt 9 tỉ USD. Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỉ lục 48,6 tỉ USD. 10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, 6 nhóm hàng (gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, tôm, gạo, rau quả, cao su) mỗi nhóm đạt trên 3 tỉ USD, riêng gạo 6,24 triệu tấn, thu 3,29 tỉ USD…
Hướng tiếp cận để phát triển nông nghiệp thông minh
Nông nghiệp thông minh thể hiện ưu thế toàn diện, tính vượt trội, vậy nên để phát triển nền nông nghiệp thông minh, ngay từ đầu chúng ta cũng cần có cái nhìn tổng thể, toàn diện và cũng cần phải có cách tiếp cận thông minh: Tiếp cận thông minh với thị trường, sản xuất nông nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí sản xuất cái gì, khi nào, khối lượng bao nhiêu và bán đi đâu, trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế so sánh về tài nguyên tự nhiên, khí hậu, con người. Ngoài ra, xuất khẩu vào mỗi thị trường, sản phẩm nông nghiệp cũng cần đảm bảo đáp ứng tốt các yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng riêng của thị trường đó. Đây được xem là những yếu tố đóng vai trò quyết định đến định hướng và qui hoạch sản xuất từng loại sản phẩm.
Bên cạnh đó, không chỉ tiếp cận thông minh với thị trường, sản xuất nông nghiệp thông minh còn tiếp cận thông minh trong sử dụng nguồn tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp. Với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương, từng khu vực cần được rà soát, quy hoạch cây trồng theo hướng chuyên canh, cây chủ lực, cây đặc sản của địa phương. Từ đó xây dựng thương hiệu cho cây nông, lâm sản đặc sản, có chỉ dẫn địa lý. Đối với loại đất phèn, đất mặn bằng các biện pháp canh tác thông minh như: Lên liếp, kết hợp thủy lợi làm ngọt hóa đất đã không chỉ phục vụ trồng được lúa còn có thể trồng cây ăn quả, cây rau, màu. Tại những nơi vùng đất khó cải tạo vùng ven biển để đạt hiệu quả sử dụng đất, sản xuất nông nghiệp thông minh đã thay đổi phương thức canh tác theo các mô hình kết hợp giữa lúa - tôm, tôm - rừng và lúa - cá.
Trong nông nghiệp, tài nguyên nước được coi là một trong những yếu tố quan trọng trong sản xuất. Các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu cần lai tạo những giống cây trồng có nhu cầu ít nước hơn, khả năng chịu hạn tốt hơn để dần thích nghi với tình trạng nguồn nước đang dần cạn kiệt và những vùng có nguy cơ sa mạc hóa. Trong sử dụng tiết kiệm nguồn nước, từng bước đưa công nghệ vào sản xuất như: Lắp đặt hệ thống thiết bị tưới nhỏ giọt, thiết bị phun tưới được kết nối Internet vận hành thông qua điện thoại; các công nghệ trữ nước, tiết kiệm nước.
Về thời tiết, hiệu ứng nhà kính gây nóng lên toàn cầu, nước biển dâng cao, động đất, lũ quét sạt lở đất, thời điểm phân mùa không còn rõ rệt kéo theo nhiều hệ lụy trong sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp thông minh cần được áp dụng hệ thống cảnh báo tự động về các vấn đề thiên tai; xây dựng các hệ thống thủy lợi kết hợp thủy điện để trữ nước, ngăn sông chống nước biển xâm mặn. Việc áp dụng các mô hình trang trại nhà kính chủ động nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm để chủ động trong sản xuất nông nghiệp là những cách tiếp cận tối ưu của nông nghiệp thông minh ứng phó kịp thời với những biến động của thời tiết.
Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sẽ tùy thuộc vào năng lực và điều kiện, nhất là khả năng đầu tư để lựa chọn công nghệ phù hợp và hiệu quả nhất. Việt Nam cũng vẫn khai thác thành tựu của các cuộc cách mạng trước là cơ giới hóa, điện khí hóa, tự động hóa, công nghệ nano, sinh học phân tử, công nghệ vi sinh vật, chuyển gen, vật liệu mới, năng lượng mới… Những công nghệ chủ chốt được sử dụng trong ứng dụng nông nghiệp thông minh như: Công nghệ IoT với các cảm biến thu thập dữ liệu chính xác về khí hậu, điều kiện sinh trưởng, sức khỏe của cây trồng/ vật nuôi; công nghệ tự động hóa thông minh với các loại robot, máy bay không người lái dần thay thế con người trong các hoạt động canh tác; các công nghệ mới trong thời gian gần đây như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain bước đầu được ứng dụng giúp nâng cao năng suất và kiểm soát chất lượng sản phẩm trên toàn chuỗi cung ứng.
Để nông nghiệp thông minh phát triển toàn diện
Tuy nhiên phát triển nông nghiệp thông minh của Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức như: Thiếu các nghiên cứu về các mô hình quản trị số để thiết kế được các nền tảng phần mềm phù hợp với nhu cầu của các chuỗi giá trị; cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp chưa được thiết kế và số hoá đồng bộ; khả năng cung ứng công nghệ cho nông nghiệp thông minh còn hạn chế; thị trường máy móc, thiết bị nông nghiệp còn chưa phát triển; tỷ lệ tự động hóa trong nông nghiệp chưa cao; mỗi doanh nghiệp cung ứng sản phẩm của một nhà cung cấp khác nhau nên các sản phẩm cho nông nghiệp thông minh trên thị trường chưa đồng bộ hoặc không giao tiếp được với nhau; công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vẫn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; đầu tư cho phát triển nông nghiệp thông minh còn hạn chế; chưa có cơ chế ưu đãi về tín dụng và đất đai cho phát triển nông nghiệp thông minh…
Để nhanh chóng xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, Đảng, Nhà nước cần có những chủ trương, các chính sách ưu đãi để thu hút nguồn lực, hình thành lực lượng doanh nghiệp công nghệ phục vụ nông nghiệp thông minh; xây dựng hệ sinh thái công nghệ - nông nghiệp; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xây dựng chuỗi trồng trọt - chăn nuôi - phân phối sản phẩm; tiếp tục thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi kỹ thuật trong canh tác, chăm sóc là những biện pháp cơ bản, có tác dụng lâu dài trong thực tế sản xuất, rất cần được các địa phương chú trọng triển khai thực hiện.
Ánh Dương tổng hợp