00:00 Số lượt truy cập: 2991364

Nữ chủ nhiệm hợp tác xã giỏi giang 

Được đăng : 17/04/2018
Từ năm 2012, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, nhãn hiệu tập thể “Chè an toàn Bắc Sơn” đã được công nhận, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm chè Bắc Sơn trên thị trường. Sản phẩm chè Bắc Sơn đã có mặt tại rất nhiều hội chợ quy mô trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành trong cả nước, được nhiều người biết đến là một sản phẩm có chất lượng cao. Có được kết quả đó có một phần đóng góp không nhỏ của bà Đào Thị Quý - Chủ nhiệm Hợp tác xã nông lâm nghiệp Bắc Sơn (xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội), một phụ nữ mạnh mẽ và làm kinh tế giỏi.

Bà Quý cho biết, trước đây, diện tích sản xuất chè của Bắc Sơn chủ yếu tập trung tại vườn nhà, nhỏ lẻ, manh mún làm ảnh hưởng đến việc xây dựng mô hình thâm canh chè an toàn theo hướng hàng hóa tập trung. Hơn thế, các vườn chè trong mô hình thâm canh chè an toàn đều có tuổi khai thác đã trên 10 năm, thậm chí 25 - 30 năm tức là quá già đối với loại cây này. Giống chè của bà con hầu hết đều là giống cũ, cho năng suất thấp và chất lượng rất kém. Sản phẩm thô chưa qua sơ chế được bán ra thị trường với giá rẻ, không thể nuôi sống người trồng. Những năm gần đây, người dân Bắc Sơn đã được hướng dẫn cách thức trồng và chăm sóc cây chè theo một hướng hoàn toàn mới, những tập quán canh tác cũ dần được thay thế. Nông dân được hướng dẫn tích cực tham gia chủ động chăm sóc, bón phân theo quy trình và phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, thâm canh cơ giới hóa, nhất là áp dụng mô hình sản xuất theo hướng VietGAP. 

Cũng giống như các hộ dân khác, được sự quan tâm giúp đỡ của Hội Nông dân xã, gia đình bà đã đầu tư vào chăn nuôi và chăm sóc cây chè theo tiêu chuẩn Vietgap đạt hiệu quả cao. Gia đình hiện có 1 ha trồng chè với năng suất chè khô đạt 1800 kg/ha/năm, giá bán ra thị trường từ 150-250.000/kg, dịch vụ thu mua và đóng gói chè sạch, dịch vụ văn phòng phẩm tổng hợp đem lại thu nhập khá. Ngoài trồng chè, bà còn chăn nuôi thêm gia cầm từ 300-400 con/lứa, đấu thầu 2.5 ha hồ thả các loại cá đem lại thu nhập 160 triệu đồng/năm. Tổng thu nhập của gia đình bà trong 5 năm (từ năm 2012 đến năm 2016) đạt 4 tỷ 405 triệu đồng, bình quân hơn 300 triệu đồng/người/năm.  

Hàng năm, gia đình bà còn tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên và mùa vụ với mức lương bình quân từ 4 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng. Bà còn hướng dẫn, giúp đỡ hiệu quả cho 18-20 hộ khó khăn về giống, vốn không tính lãi để các hộ phát triển kinh tế. Bà Quý là một hội viên nông dân tiêu biểu ở địa phương, một mô hình làm kinh tế hiệu quả để bà con nông dân học tập./.

BBT