00:00 Số lượt truy cập: 3040061

Nữ nông dân xuất sắc biến vùng chiêm trũng thành mô hình trang trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao 

Được đăng : 10/10/2023

 

 Xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình với đặc thù là một vùng đất chiêm trũng, những năm trước đây sản xuất lúa và hoa màu kém hiệu quả nên bà con nông dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn với nghề nông. Chị Trần Thị Thục ở xóm 7, xã Như Hòa cũng chung cảnh ngộ như vậy, nhưng khác với mọi người, bằng nghị lực là niềm tin trong lao động sản xuất, chị đã trăn trở làm thế nào đó để biến những khó khăn về lĩnh vực này thành thế mạnh của lĩnh vực khác. Qua tìm hiểu các mô hình chăn nuôi, những kiến thức học được từ các lớp tập huấn của trung tâm khuyến nông, Hội Nông dân các cấp tổ chức…chị đã mạnh dạn chuyển đổi đất để làm trang trại tổng hợp, một phần chị làm chuồng nuôi lợn, nuôi vịt, trồng cây ăn quả, phần còn lại chị đào ao thả cá, thả tôm,…

Ban đầu chưa có vốn và kinh nghiệm, chị xây dựng mô hình phát triển kinh tế tổng hợp với quy mô nhỏ, từ việc nuôi 2.000 con vịt đẻ trứng, mà chủ yếu thả đồng cho vịt tự tìm kiếm thức ăn. Từ tính toán, lấy ngắn nuôi dài, sau khi có chút vốn, chị tiến hành xây dựng chuồng trại nuôi lợn với quy mô 50 con lợn nái. Thấy việc nuôi lợn có hiệu quả, năm 2016, chị mạnh dạn tăng quy mô đàn lợn nái lên gấp đôi, hơn 1.000 con lợn thịt. Số lợn con đẻ ra chị đều giữ lại để nuôi thành lợn thịt nên hầu như nguồn giống luôn duy trì ổn định. Trang trại lợn của gia đình chị luôn thực hiện chăn nuôi khép kín "nội bất xuất, ngoại bất nhập", người lao động hạn chế ra bên ngoài trang trại, nguồn thức ăn cho lao động tự cấp như: Rau, cá, thịt… Thức ăn cho lợn chủ yếu cám công nghiệp. Để đề phòng bệnh, dịch, cứ 2 tháng một lần chị cho lấy mẫu máu của lợn để đi kiểm tra nhằm sớm biết các mầm bệnh để kịp thời xử lý. Trang trại nuôi lợn của gia đình chị nằm rất xa khu dân cư, thiết kế thoáng mát về mùa hè, ấm áp mùa đông, thức ăn, chất thải của lợn được dọn sạch trong ngày, bên ngoài chuồng nuôi lợn cũng phải phun thuốc khử trùng mỗi ngày…

Hiện nay, gia đình chị xây dựng chuồng trại nuôi lợn nái, lợn thịt rộng 4.500m2, quy mô đàn lợn nái lên 100 con, 1.500 con lợn thịt. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, nên gần 10 năm qua gia đình chị luôn thu nhập ổn định. Ngoài ra, chị còn thuê gần 5 ha đất của bà con nông dân trong xã để cấy lúa, giống nếp hạt cau, nếp nương, tạo thành cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa nông nghiệp vào sản xuất, chế biến nông sản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao hơn so với cách làm truyền thống. Tổng doanh thu hằng năm đạt trên 25 tỷ đồng, trừ chi phí các khoản, gia đình chị thu về hơn 4 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương với mức lương từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng; lao động thời vụ với mức chi 300.000 đồng/người/ngày. Cùng với đó, gia đình chị đã chủ động phối hợp tổ chức dạy nghề, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều hộ gia đình ở địa phương, giúp vốn, con giống cho hàng chục hộ chăn nuôi khó khăn trong và ngoài xã. Đồng thời, gia đình chị còn cho vay vốn không lãi suất 5 hộ với tổng số tiền 350.000.000 đồng giúp đỡ, hỗ trợ những gia đình khó khăn, gia đình chính sách.

Ông Trần Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Sơn cho biết: chị Trần Thị Thục luôn là tấm gương sáng trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của Hội, là những người làm nòng cốt cho phong trào phát triển kinh tế gia đình, địa phương. Chị đã giúp cho phong trào Hội Nông dân xã Như Hòa nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong những năm qua, chị không ngừng chia sẻ, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản cho các hộ nông dân có nhu cầu để cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương góp phần vào mục tiêu chung của quốc gia là xoá đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững. Chị đã được các cấp, các ngành ghi nhận và tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Đặc biệt, năm 2022 chị vinh dự được bình chọn là 1 trong 100 gương mặt nông dân của cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc.

 

Nhật Anh