00:00 Số lượt truy cập: 2987339

Nữ tỷ phú nông dân người dân tộc Tày 

Được đăng : 28/03/2023
Người nữ tỷ phú nông dân đó là chị Nông Thị Dung, tổ 4 phường Ngọc Xuân, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Từ hộ đói nghèo, sau 12 năm vất vả mưu sinh với 2 bàn tay trắng và ý chí kiên cường, đến nay chị đã tạo dựng cơ ngơi trang trại tổng hợp trị giá trên 2 chục tỷ đồng.

nongdanxuatsaccaobang1665644162499205589383416656462502721741041948

Chị Nông Thị Dung đang chăm sóc đàn lợn nái trông trang trại của gia đình

Nhớ lại những tháng ngày cơ cực, lăn lộn mưu sinh mà khi nào cũng thiếu ăn, chị Dung không khỏi ngao ngán. Ngày ấy khó khăn lắm, chỉ tính sao có đủ bát cơm mà gầy ruộc cả người. Sáng thì dậy sớm đêm thì ngủ muộn để có được những bìa đậu mà bán cho người ta, đi rạc cả chân, hoa cả mắt mà cũng có đủ ăn đâu. Rồi thấy nấu rượu, làm chè, làm đậu bán dạo mãi vẫn không đủ ăn nên sau nhiều đêm suy nghĩ chị đã quyết định cùng chồng chuyển nhà lên khu rừng PAM trước đó được nhà nước cấp để nuôi lợn (Rừng trồng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình lương thực thế giới - gọi tắt là rừng PAM, là những khu rừng có sử dụng nguồn vốn tài trợ của dự án PAM để trồng và chủ rừng đã tự đầu tư bổ sung vốn, lao động để chăm sóc, bảo vệ theo mục tiêu của dự án).

Vạn sự khởi đầu nan, với 3ha đất rừng tham gia dự án, đặc thù địa hình hết sức khó khăn, núi thì cao, đất thì dốc trồng cây không được vì đất bị rửa trôi, vì vậy chị quyết định tập trung nấu rượu lấy bỗng nuôi lợn. Phép tính lớn nhất đặt ra là nguồn vốn ban đầu ở đâu ra?

Túng thì vẫn phải tính, quyết tâm thì phải làm. Với chút vốn tằn tiện tích cóp sau nhiều năm, chị đi vay mượn nhiều nơi để đầu tư. Chị cho biết có những thời điểm gặp khó khăn như dịch tả lợn châu Phi, lợn chết cả đàn, rượu nấu nhiều không tiêu thụ được, số dư nợ của gia đình chị thời điểm đó lên đến con số 2 tỷ đồng, nản rồi nếu buông bỏ thị nợ vẫn phải trả. Và chị xác định đã vào thế "cưỡi trên lưng hổ" thì chỉ còn cách theo tới cùng mà thôi.

Khó khăn không khuất phục được ý chí kiên cường của người phụ nữ dân tộc Tày, những tháng ngày vất vả âu lo rồi cũng dần qua đi. Giờ đây, một cơ ngơi trang trại khang trang đã dần hình thành. Khu nấu rượu của gia đình chị có lẽ cũng phải gần 400m2, toàn bộ được đầu tư máy móc thiết bị, nồi nấu đều sử dụng điện. Chị Dung cho hay, rượu nhà chị có tên là rượu Thiên Vương, hiện cũng khá được ưa chuộng trên thị trường. Rượu Thiên Vương được đóng chai, gắn nhãn mác sản phẩm, và được xuất bán nhiều tại các thị trường như: Hà Nội, Thái Nguyên, trong tỉnh Cao Bằng và một số tỉnh lân cận. Theo chị Dung, hiện trung bình gia đình mỗi tháng sản xuất được hơn 5000 lít rượu.

Chị cho biết, việc nấu rượu thực chất lãi rất ít, lợi nhuận trong công việc nấu rượu là nguồn bỗng rượu để chăn nuôi lợn, những con lợn nuôi bằng bỗng rượu da dẻ đỏ hồng, rất nhanh lớn và đặc biệt rất ít khi bị bệnh nhất là đường tiêu hóa. Với đàn lợn có lúc lên đến hơn 30 con nái. Lứa nào đẻ cũng đều giữ lại để nuôi, thời điểm nhiều nhất, trong chuồng nhà chị có đến hơn 500 con lợn thương phẩm.

Tính trung bình mỗi năm tổng thu từ rượu và chăn nuôi gia đình chị cũng có được khoảng hơn 1 tỷ đồng. Số tiền thu được chị tái đầu tư vào trồng cây (chủ yếu là cây hạt dẻ), chi phí cải tạo, nâng cấp trang trại, mua sắm thiết bị nên cũng không còn được bao nhiêu. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng chi phí cho trang trại này cũng đã khoảng 20 tỷ đồng. Với 3ha cây hạt dẻ đã bắt đầu cho bói quả, dự kiến trong những năm tới cho nguồn thu nhập không hề nhỏ cho gia đình chị.

Cần cù chịu khó làm kinh tế gia đình, chị Dung thường xuyên tham gia các phong trào xã hội do các cấp các ngành tại địa phương phát động: Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng quỹ vì người nghèo, xây dựng quỹ Hội… Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt với bà con có nhu cầu. Trang trại của gia đình chị luôn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động tại địa phương.

Với những thành tích đạt được cho bản thân và gia đình, những đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, chị được Hội Nông dân và UBND tỉnh Cao Bằng tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2022, chị Dung vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Mai Loan