Bà Thủy(trái) luôn theo sát các hoạt động chế biến, sản xuất tại cơ sở
Nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu phát triển khá sớm và trở thành phong trào nuôi tôm rộng khắp từ những năm 2000, nhất là khi bắt đầu thực hiện chuyển đổi sản xuất. Khắp nơi người ta nuôi tôm, nhà nhà nuôi tôm, người người nuôi tôm, đã có rất nhiều người trở thành tỷ phú nhờ con tôm đặc sản vùng này. Từ tôm nuôi trong ruộng lúa với các mô hình lúa - tôm, lúa - tôm càng xanh kết hợp cá đồng, cua - tôm sú... đến thâm canh, bán thâm canh và cả siêu thâm canh trong nhà kính đã giúp nông dân nơi đây cải thiện cuộc sống, đi lên rõ rệt.
Xuất phát điểm từ một điểm thu mua tôm nhỏ lẻ cung cấp cho các đầu mối, sau nhiều năm chịu khó tích góp, đầu tư phát triển mở rộng cơ sở thu mua và sơ chế tôm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh. Ở thời điểm đó, bình quân mỗi ngày doanh nghiệp thu mua và sơ chế từ 1 - 3 tấn thủy sản, chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ. Nhờ cung cấp tôm đảm bảo chất lượng nên doanh nghiệp Thanh Thủy luôn được các đối tác tin tưởng, từ đó việc kinh doanh ngày càng phát triển. Để có nhiều bạn hàng và khách hàng uy tín, chị luôn đặt chữ tín lên hàng đầu, biết chia sẻ lợi nhuận với người khác. Những lúc người dân thu hoạch tôm không đạt hiệu quả, chị tăng giá tôm cho họ, đồng thời hỗ trợ một phần chi phí giúp họ có điều kiện tái đầu tư.
Năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bạc Liêu cần tập trung phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản với mục tiêu là xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Đây lại là một cơ hội lớn mở ra cho nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu phát triển mạnh mẽ. Tận dụng cơ hội này, bàThủy mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao, việc đẩy mạnh đầu tư vào chăn nuôi giúp cho doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng cung cấp cho các đối tác uy tín.
Hiện bà Thủy có hơn 100 ao nuôi tôm công nghệ cao của gia đình và hợp tác với nông dân trong vùng, mỗi ao rộng từ 1.000 – 1.500m2. Ao nuôi đều được lót bạt, có mái che, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất trong nuôi tôm hiện nay.
Trước đây gia đình bà cũng như hầu hết nông dân trong vùng, áp dụng nuôi tôm trong ao đất tự nhiên, tuy nhiên hiệu quả mang lại không cao. "Khoảng 5 năm gần đây, tôi phát triển nuôi tôm trong nhà kính công nghệ cao. Giờ nuôi công nghệ cao có con giống, có kỹ sư, có trang thiết bị nên thành công đến 80-90%", bà Thủy cho hay.
Toàn bộ diện tích nuôi tôm được bà Thủy chia thành 30 khu vực nuôi. Ở mỗi khu, bà chỉ cần 2-3 nhân công là có thể quản lý tốt. "Nông dân hợp tác với chúng tôi được đầu tư từ đầu vào đến đầu ra, được hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật. Sau khi kết thúc thời gian hợp tác, nông dân hoàn toàn có thể áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào nuôi tôm", bà Thủy chia sẻ.
Không chỉ đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, bà Thủy còn liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu, đứng ra thu mua thủy sản cho bà con trong vùng. Doanh nghiệp của bà đang thu mua tôm với giá tốt cho khoảng 1.000 ao tôm của bà con, với sản lượng từ 200-400 tấn mỗi tháng.
Không chỉ giỏi kinh doanh, bà còn là người có tấm lòng hảo tâm, thường xuyên hỗ trợ các hộ nghèo như tặng gạo thóc, thực phẩm, xây dựng nhà tình thương, xây cầu, làm đường giúp cho quê hương. Doanh nghiệp của bà Thủy còn tạo việc làm cho gần 100 lao động, với mức lương từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/người/tháng.
Hằng năm, bà Thủy đều hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội của địa phương từ 100 đến 200 triệu đồng. Bà còn giúp đỡ cho nhiều mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với số tiền mỗi năm từ 400 đến 500 triệu đồng.
Vừa qua, tại Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" đã diễn ra tại thủ đô Hà Nội ngày 14/10 vừa qua, bà Thủy xứng đáng là một trong 100 nông dân tiêu biểu của cả nước được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn và trao giải.
Chu Hương