00:00 Số lượt truy cập: 2988775

Nuôi bồ câu công nghiệp hiệu quả 

Được đăng : 15/03/2023
Cũng như bất cứ ngành chăn nuôi nào, nuôi bồ câu làm kinh tế cũng đòi hỏi người chăn nuôi phải nghiên cứu thật kỹ về vốn - con giống - kỹ thuật nuôi - vấn đề nâng cao năng suất - đầu ra của sản phẩm. Trong khuôn khổ bài viết, xin chia sẻ một số kinh nghiệm chăn nuôi bồ câu theo hướng công nghiệp với bà con.


chim

Bồ câu nhốt trong lồng mật độ hợp lý sẽ sinh trưởng tốt

Con giống:

Chất lượng con giống thì rất quan trọng, vì tùy theo giống mà hiệu suất sinh sản, khả năng nuôi con, khả năng bị nhiễm bệnh, trọng lượng bồ câu ra ràng sẽ khác nhau.  Hiện nay bồ câu ra ràng có trọng lượng từ 400gr trở lên có giá dao động từ 90.000đ - 120.000đ/cặp tùy thời điểm. Bởi vậy, nếu bạn chọn giống bố mẹ nhỏ con thì chim ra ràng có trọng lượng nhỏ thì giá thành sẽ không cao. Nhưng cũng có một vài người chọn giống bồ câu bố mẹ có trọng lượng lớn (ví dụ bồ câu gà kiểng) thì chất lượng bồ câu ra ràng sẽ rất tốt, nhưng giá thành cũng không tăng bao nhiêu trong khi đó bồ câu gà kiểng thường năng suất đẻ rất thấp (2-3 tháng/1 lần), lại hay đạp bể trứng và khả năng nuôi con không cao. Ngoài ra, bồ câu gà kiểng thường chi phí thức ăn rất cao, không hiệu quả xét về mặt nuôi kinh tế. 

Một số nhà hàng sang trọng ở thành phố lại thích loại bồ câu ra ràng màu trắng vì khi làm sạch bồ câu ra ràng sẽ có da màu hồng, nhìn ngon và "đẹp" hơn. Nếu bạn chọn nuôi giống có màu (bồ câu thuần Việt, bồ câu Hà Lan,....) thì sẽ có nhiều màu sắc khác nhau, khi đó khi làm sạch bồ câu ra ràng sẽ có màu đen, vì vậy cũng sẽ giảm khả năng "ngon miệng" của khách hàng.

Chuồng nuôi:

Chuồng nuôi đảm bảo đủ ánh sáng, khô thoáng, tránh được gió lùa, có diện tích đủ hoặc rộng rãi cho sự hoạt động của chim.

Vật liệu làm chuồng nuôi bồ câu khá đa dạng, thường sử dụng sắt, tôn, nhựa, bê tông cốt thép, lưới thép B40…

Kiểu làm chuồng phổ biến nhất là chuồng nuôi chim bồ câu nhiều tầng làm bằng khung thép, kích thước phụ thuộc vào số ô chuồng. Theo đó, có thể làm 2 tầng chuồng, có tổng cộng 8 - 10 ngăn. Chiều cao của chuồng tính từ mặt đất đến phần sàn thấp nhất là 60 cm, đảm bảo khô ráo, thoáng mát, hợp vệ sinh và vừa tầm chăm sóc.

Chuồng nuôi được chia thành các ô, mỗi ô chuồng có kích thước 40 x 60 x 50 (cm). Mỗi một ô chuồng sẽ có một cửa ra vào nhỏ, kích thước 20 x 20 (cm) để thuận tiện cho việc bắt chim phòng trị bệnh hoặc xuất bán.

Ở đáy của mỗi ô chuồng đều làm bằng lưới thép để bảm bảo cho việc thoát phân. Bên dưới lưới thép, cách khoảng 5 cm có một tấm hứng phân làm bằng nhựa hoặc tôn có độ nghiêng nhẹ, có thể kéo ra đẩy vào một cách dễ dàng. Trung bình khoảng 1 - 2 ngày phải tiến hành thay rửa một lần, đổ phân vào hố chứa hoặc bao tải tiếp tục xử lý, tránh ô nhiễm môi trường, phát sinh khí độc hại…

Máng ăn có thể làm bằng tre hoặc tôn, kích thước dài 15 cm, rộng 5 cm, sâu 5 - 10 (cm). Máng uống có thể tận dụng lon, chai nhựa, vỏ lon bia, vỏ nước giải khát, cốc nhựa. Máng có đường kính 5 - 6 cm, cao 8 - 10 cm.

Chăm sóc chim sinh sản

Khi nuôi bồ câu làm kinh tế, bạn phải chọn giống làm sao để nâng suất đẻ đạt cao nhất. Vì vậy, giống bồ câu tốt là có tỷ lệ sinh sản ít nhất 01 tháng/lần, tỷ lệ này trong năm sẽ là ít nhất 10 lần/năm (có những thời điểm bồ câu thay lông sẽ ngưng đẻ). Như vậy, 1 cặp giống bố mẹ nếu chăm sóc đúng cách với chế độ dinh dưỡng hợp lý, mỗi năm sẽ cho ra đời ít nhất 10 cặp bồ câu con. Khi mua bồ câu giống, nhiều người cứ muốn mua bồ câu bố mẹ đang đẻ có giá thành cao nhưng không biết được chim bố mẹ đã bao nhiêu tuổi rồi, có khi mua về thì chim chỉ đẻ được 01 - 02 năm là năng suất đẻ sẽ giảm rất nhiều. Trong khi đó, nếu chúng ta mua bồ câu còn tơ thì khả năng sinh sản của chúng rất tốt, mà người chăn nuôi còn có thể quản lý được đàn chim của mình.

Khả năng sinh sản còn phải tính thêm về khả năng ấp trứng và kỹ năng nuôi con. Nếu trứng bồ câu không được ấp từ 2 - 3 ngày sau khi sinh sản thì khả năng nở con sẽ rất thấp, vì phôi thai trong trứng không đảm bảo về nhiệt độ nêu trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lúc nở con. Và nếu có nở được con thì chim con sẽ rất yếu, khả năng sống không cao. Bố mẹ sẽ thay phiên nhau ấp trứng cho đến khi trứng nở. Thời gian ấp trứng khoảng 18 - 19 ngày. Bồ câu đẻ mỗi lần 02 trứng (đẻ cách nhau 01 ngày), thời gian để trứng thứ 1 khoảng từ 17h30 đến 19h00. Thời gian đẻ trứng thứ 2 sớm hơn, khoảng từ 15h30 đến 17h00. Trong thời gian ấp trứng, thường bồ câu sẽ ăn ít, nhưng vẫn uống nước nhiều và cần nhiều khoáng chất trong nước uống.

Do 02 trứng được đẻ cách nhau 01 ngày nên chim ra ràng sẽ nở cũng cách nhau 01 ngày, và như vậy 2 chú chim ra ràng sẽ có trọng lượng lớn nhỏ khác nhau. Như vậy, kỹ năng nuôi con của bố câu bố mẹ rất quan trọng. Sự thật là khi bồ câu ra ràng khoảng 20 ngày tuổi là chúng ta có thể xuất cho nhà hàng, và lúc đó trọng lượng của chúng phải đạt theo yêu cầu. Do đó, nếu trong giai đoạn sau khi nở, chim bố mẹ nuôi con không đạt thì chim ra ràng sẽ phát triển kém, trọng lượng cũng sẽ giảm và không đều giữa chú chim trong cùng 01 tổ. Ngoài ra, nếu không xuất cho nhà hàng mà để lại làm giống mà bố mẹ nuôi con không đạt thì sau này chim giống cũng không tốt. Đặc biệt, khi làm con giống, yêu cầu bắt buộc là chim con phải do chính ba mẹ chúng nuôi lớn từ lúc nở cho đến khi biết ăn. 

Chim bồ câu thường có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp và đặc biệt rất hiếm khi bị bệnh dịch. Nên chú ý tiêm vắc xin chống bệnh nổi trái và bệnh cúm để bồ câu tránh được những bệnh dễ mắc này. Bồ câu thường chịu nhiệt độ cao, nhưng đừng để quá nóng vào mùa nóng. Một số bệnh thông thường chúng ta có thể chữa trị bằng thuốc thú y như: bệnh phân trắng, bệnh phân xanh, một số bệnh về đường ruột,... Tuy nhiên, nếu không phát hiện các bệnh này sớm thì nên tiêu hủy khi chúng nhiễm bệnh đã quá nặng vì sẽ ảnh hưởng đế khả năng sinh sản, nuôi con,.... sau này. 

 

Mai Loan