Phong trào “ Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thời gian vừa qua đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên các cấp Hội Nông dân Thành phố Hà Nội tham gia. Qua đó, tạo nên nhiều việc làm, nâng cao đời sống, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ cần cù, chịu thương chịu khó cộng với đam mê với nghề chăn nuôi bò, anh nông dân Trần Văn Thắng (xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội) là tấm gương tiêu biểu trong phong trào.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhà đông anh em, ngay từ nhỏ ông đã phải đi làm nhiều nghề mà kinh tế không khá lên được là bao nhiêu. Vốn có niềm đam mê với nghề chăn nuôi từ lâu nhưng do nhiều lý do mà ông chưa thực hiện được. Ông Thắng chia sẻ: khoảng 10 năm về trước, ông phát hiện sau khi thu hoạch lúa mùa, rất nhiều phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cây ngô… bị người dân vứt chỏng chơ ngoài đồng rất lãng phí. Không chỉ vậy, ông thấy nhiều dự án bỏ hoang để cỏ mọc um tùm. Ông tự nhủ: tại sao lại không tận dụng nguồn thức ăn dồi dào ngoài tự nhiên này để chăn nuôi bò? Bao dự định ấp ủ nhiều năm, nghĩ là làm, nông dân Trần Văn Thắng quyết định đầu tư vào nuôi bò thương phẩm.
Để có tiền đầu tư, ông nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo địa phương để vay tiền của ngân hàng chính sách xã hội. Ngoài ra ông Thắng vận động gia đình và người thân giúp đỡ . Ông Thắng chia sẻ: Ban đầu ông nuôi 300 con bò thì cần 50-60 ha cỏ mới đủ nguồn thức ăn quay vòng cho đàn bò. Ông có khoảng vài mẫu cỏ để làm thức ăn phòng những ngày mưa gió, còn lại ông cho công nhân đi cắt cỏ hoang từ các dự án bỏ hoang. Nhờ nguồn cỏ từ phụ phẩm nông nghiệp mà bà con bỏ đi, cộng thêm cỏ từ các dự án bỏ hoang mà trung bình mỗi con bò tiết kiệm được 200.000 đồng tiền thức ăn mỗi ngày.
Mô hình chăn nuôi bò của ông Thắng được thực hiện khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến khi ra thị trường, có mặt trên bàn ăn của người tiêu dùng. Quá trình chăn nuôi, phân phối khép kín, không phụ thuộc thương lái nên tiết giảm được nhiều chi phí. Năm 2014 đến 2022, trang trại của ông Thắng luôn duy trì 300 - 500 con bò thương phẩm và 100 con bò nái. Đặc biệt, trong bối cảnh thức ăn chăn nuôi tăng giá chóng mặt như hiện nay, nhiều người chăn nuôi rơi vào tình trạng thua lỗ thì mô hình chăn nuôi bò dựa vào nguồn cỏ ngoài tự nhiên của ông Thắng vẫn có lãi.
Những cách làm, sáng kiến và kinh nghiệm của gia đình anh Thắng chủ yếu là tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi tiêu gia đình và chi phí trong sản xuất, tìm tòi học hỏi, khai thác thông tin trên báo, đài, trang mạng và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh sao cho phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình, chọn lựa những con giống có năng suất, chất lượng, thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng miền và địa phương để đưa vào sản xuất, kinh doanh.
Hàng năm, gia đình ông Thắng còn tạo việc làm theo thời vụ và thường xuyên cho hơn 15 lao động, mỗi lao động có thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng; giúp đỡ, hỗ trợ về vốn và con giống, tạo điều kiện cho hội viên nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, ông Thắng luôn tích cực, gương mẫu tham gia thực hiện các cuộc vận động, phong trào do Hội và địa phương phát động, đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Tích cực tham gia công tác xã hội từ thiện, sẵn lòng đóng góp xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi xã hội; tương trợ, giúp đỡ để cùng nhau thoát nghèo, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Kết quả doanh thu từ mô hình chăn nuôi bò của ông Thắng đạt 65 tỉ đồng/năm, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là nông dân có doanh thu cao nhất trong số 100 nông dân xuất sắc năm 2022.
Chu Hương