00:00 Số lượt truy cập: 3040655

Nuôi cầy vòi mốc – mô hình thoát nghèo làm giàu của chàng trai 8x 

Được đăng : 01/08/2023
Trang trại nuôi cầy vòi mốc của anh Giáp Văn Hùng (SN 1980, trú tại tổ dân phố Phú Mỹ 2, phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang) nằm im lìm tại thôn Văn Sơn, xã Tân Tiến, thành phố Bắc Giang, cách xa trục đường giao thông lớn, có vườn cây, ao cá, lại xa khu dân cư nên đảm bảo các yếu tố về chăn nuôi an toàn sinh học. Khu chăn nuôi cầy là một dãy nhà được xây dựng kiên cố, thoáng mát, có mái tôn che nắng mưa, tổng diện tích rộng khoảng 600 m2.

cay-voi1

 

Có duyên với con cầy vòi mốc từ năm 2015. Nhận thấy thị trường chăn nuôi con đặc sản cho lợi nhuận cao, gia đình anh xây trang trại để nuôi loài cầy vòi mốc. Ngày đó, cứ nghe thấy nơi đâu có trại nuôi cầy vòi mốc, cầy hương anh Hùng cũng đều tìm đến tận nơi để tìm hiểu, học hỏi và mua giống. Không chỉ những tình thành ngoài Bắc như Nghệ An, Cao Bằng… anh còn khăn gói vào tận Đồng Tháp để “học nghề”.

Tổng cộng anh Hùng mua được 130 cá thể cầy vòi mốc giống bố mẹ về để nuôi sinh sản. Nào ngờ, khi bắt đầu nuôi, do thiếu kinh nghiệm nên tỷ lệ sinh sản của cầy mẹ rất thấp, thường xảy ra tình trạng đẻ non và cắn con hoặc cầy bị bệnh viêm phổi, bệnh tiêu chảy, một vài cá thể cầy bị chết. Thời điểm đó, anh vừa làm vừa lo mất trắng. Bởi, một cặp cầy bố mẹ mua về gây nuôi sinh sản có giá 20 triệu đồng. Thất bại, nhưng không bỏ cuộc. Anh lại tìm tới các trang trại nuôi cầy ở các tỉnh lân cận để học hỏi kinh nghiệm; đồng thời, mua thêm sách về đọc để biết nguyên nhân và cách chữa bệnh. Sau hai năm nuôi, anh đã rút ra được kinh nghiệm gây nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, cách chữa bệnh. Nên hiện nay, tỷ lệ phối giống bố mẹ để gây nuôi sinh sản đạt tỷ lệ rất cao; đồng thời, khi cầy có biểu hiện bị bệnh phổi, tiêu chảy, anh đã tự mua thuốc về để chữa bệnh cho cầy.

Quyết định toàn tâm toàn ý với con cầy mốc, ngay từ đầu anh Hùng đã đầu tư xây kiên cố chuồng trại. Anh Hùng xây gạch chia làm 80 ô riêng biệt, mỗi ô có diện tích từ 1 - 1,2 m2. Ngoài ra, còn có 50 ô chuồng được thiết kế khung sắt chắc chắn, mỗi ô khoảng chừng trên dưới 1m2. Bên trên các ô chuồng được lắp quạt trần, giúp làm mát, cung cấp khí tươi, oxy từ bên ngoài vào. Trên mái, có hệ thống phun nước làm mát mái tôn. Qua đó, trại nuôi luôn có nhiệt độ ổn định, tạo môi trường trong lành cho cầy vòi mốc sinh sản, sinh trưởng. Hiện trại đang nuôi trên 300 cá thể cầy vòi mốc bố mẹ, thương phẩm hoặc và cá thể cầy con mới được tách đàn.

Cầy vòi mốc ở nước ta thuộc nhóm động vật hoang dã được thuần hóa nuôi nhốt trong thời gian gần đây nên phương pháp chăm sóc, nhân đàn vẫn là kinh nghiệm người sau học người trước. Cầy vòi là giống ưa sạch sẽ, đòi hỏi quy trình chăm sóc phải nghiêm ngặt như thức ăn phải sạch sẽ; không ôi, thiu. Chuồng trại phải thoáng mát, nhiệt độ chuồng luôn phải duy trì dưới 350C; mỗi tuần phải phun thuốc khử trùng 1 lần toàn bộ chuồng trại và thường xuyên vệ sinh ô chuồng sạch sẽ thì đàn cầy sẽ không bị mắc bệnh ngoài ra, viêm phổi hay bị bệnh tiêu chảy.

Cũng theo anh Hùng, khi chọn cầy vòi mốc giống để nuôi sinh sản, đối với con cái, cần chọn những cá thể có lông mượt, thân dài; 4 vú đồng đều, không có khuyết tật. Còn đối với cầy đực, cần chọn những cá thể khỏe mạnh, có đôi mắt sáng, lông mượt; bộ phận sinh dục có 2 hạt cà to, cân đối. Với những đặc điểm trên, khi được chọn để ghép đôi phối giống, cầy mới sinh sản tốt và nhân đàn nhanh.

Khi ghép đôi phối giống, anh Hùng chọn dùng giải pháp ghép tập thể. Thời điểm ghép đôi là từ tháng 01 đến tháng 7 Âm lịch hằng năm. Một cá thể cầy đực có thể ghép với 2 cá thể cầy cái hoặc 2 cá thể cầy đực ghép với 5 -7 cá thể cầy cái. Sau khi ghép đôi để phối giống, khoảng 20 ngày sau tiến hành kiểm tra vú của những cá thể cầy cái. Nếu vú có màu hồng, hơi sệ đó là biểu hiện cầy đã mang thai. Khi phát hiện cầy cái có dấu hiệu mang thai, tiến hành tách ra 1 ô chuồng riêng biệt để theo dõi. Khoảng 40 ngày sau, khi đã xác định chính xác cầy đang mang thai, tiến hành đưa 1 hộp gỗ kín (kích cỡ khoảng 50 x 50cm) vào trong chuồng, có cửa chui ra, chui vào để cầy sinh sản tự nhiên trong hộp gỗ.

Khi cầy con mở mắt sẽ ra chuồng ăn cùng cầy mẹ. Cầy con sống chung với cầy mẹ khoảng từ 60 - 70 ngày, tiến hành tách cầy con ra để nuôi riêng. Sau khi tách cầy con ra nuôi sinh trưởng, khoảng 15 ngày sau có thể bán cầy giống được. Trọng lượng cầy khi đó có thể đạt từ 1,5 - 2,5 kg/cá thể. Thời gian tách đàn cầy con ra để nuôi riêng phải phù hợp. Nếu cầy con tách mẹ sớm sẽ chậm phát triển, còn tách muộn sẽ làm gián đoạn vòng sinh sản của cầy mẹ. Cầy con nuôi sinh trưởng được khoảng 50 ngày tuổi, tiến hành tiêm vắc xin mũi 1, phòng, chống năm loại bệnh của chó, mèo. Đến 21 ngày sau, tiêm mũi 2 nhắc lại, phòng, chống 7 loại bệnh của chó, mèo thì đàn cầy sẽ sinh trưởng tốt, khỏe mạnh. Khi đàn cầy được tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin trên, nếu cá thể cầy nào bị bệnh viêm phổi hay bị bệnh tiêu chảy, khi điều trị tỷ lệ chữa khỏi bệnh rất cao

Theo tính toán của anh Hùng, chi phí thức ăn cho mỗi cá thể cầy đến lúc xuất bán là 1 triệu đồng, mỗi con đạt trung bình 4 – 6 kg, giá thương phẩm trung bình 2,6 triệu đồng/kg. Đối với cầy giống, mỗi cặp (1 cá thể đực, 1 cá thể cái), có trọng lượng từ 1,5 - 3,5kg/cá thể, giá bán 20.000.000 đồng/cặp. “Tính riêng năm 2021, trại nuôi của tôi sinh sản thêm được gần 300 cá thể cầy vòi mốc. Sau khi nuôi sinh trưởng đã bán cầy giống và thương phẩm ra thị trường, trừ chi phí, gia đình tôi có lợi nhuận khoảng gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương, với mức lương thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng”. Anh Hùng chia sẻ.

Thấy anh Hùng nuôi cầy vòi mốc cho thu nhập cao, nhiều thương lái, nhà hàng cũng như nhiều hộ dân ở địa phương cũng như các tỉnh lân cận đến đặt hàng cầy thương phẩm, học hỏi kinh nghiệm cũng như mua con giống về để chăn nuôi. Mô hình nuôi cầy vòi mốc của chàng trai 8x góp phần thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đóng góp một phần vào phong trào phát triển kinh tế xã hội của địa phương cần được nhân rộng.

Ánh Dương