00:00 Số lượt truy cập: 2990680

Nuôi giun quế, làm giàu bằng mô hình khép kín 

Được đăng : 09/09/2020
Làm giàu từ mô hình nuôi giun quế kết hợp trồng trọt, chăn nuôi theo chu trình khép kín, anh Nguyễn Mạnh Khang chủ trại sinh thái Mai Hiền đã trở thành người đi đầu với mô hình độc, lạ cho thu nhập cao ở tỉnh Phú Thọ.

giun-que

Chất thải của giun quế chứa hỗn hợp vi sinh hoạt tính cao, chất mùn lớn, vì vậy phân giun kích thích tăng trưởng cây trồng và tăng khả năng cải tạo đất. 

Sau nhiều năm bôn ba trời Tây, anh kỹ sư chế tạo máy đã gặp một vài chuyên gia ở nước ngoài. Họ có khuyên rằng: Việt Nam là nước nông nghiệp mà anh lại không làm giàu từ nông nghiệp, nếu như muốn làm nông nghiệp thành công thì cần phải can thiệp bằng mô hình khép kín và nên bắt đầu từ con giun đỏ. Anh cất công tìm hiểu và nhận thấy giun quế được nuôi nhiều trên thế giới, giun sống nơi ẩm ướt có nhiều phân rác, củi mục. Nó là loại thức ăn đạm cao cấp dùng cho gia súc, gia cầm, thủy sản. Nhiều nước, người ta còn có thể dùng loại giun này được sử dụng để chế biến mỹ phẩm hay bài thuốc hữu hiệu chữa bệnh. Ngoài ra, phân giun là một loại phân hữu cơ có nhiều tác dụng như kích thích tăng trưởng cây trồng, gia tăng khả năng giữ nước, loại trừ những độc tố, nấm có hại và vi khuẩn trong đất nên có thể đẩy lùi bệnh cho cây trồng... Anh nhận thấy mô hình này sẽ rất thích hợp nếu áp dụng ở Việt Nam  do nguồn rác thải và các phụ phẩm nông nghiệp đang là vấn đề nhức nhối  ở nông thôn.

Đánh giá được nguồn lợi từ việc nuôi giun quế, khi trở về, năm 2008 anh đã cùng vợ là chị Lộc Thị Đà nuôi giun quế thử nghiệm. 3 năm sau, khi hiệu quả đã dần được khẳng định thì anh chị đã bắt tay đi vào sản xuất chính thức và ra đời trang trại nuôi giun quế Mai Hiền.

Quy trình khép kín như sau: Thu gom phế phụ phẩm nông nghiệp như phân trâu, phân bò, gà, lợn, rơm rạ hay bèo tây làm nguyên liệu cho trang trại nuôi giun. Giun ăn phế thải và tạo thành bã phế thải. Chất bã này trở thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Nhờ có nguồn thức ăn từ giun quế, giúp giảm được chi phí từ 30 – 40% so với bình thường, số lượng ngan gà được bán ra trong một năm khá nhiều. Cụ thể, mỗi năm xuất bán khoảng 6.000 – 7.000 con gà và từ 2.000 – 3.000 con ngan. Tận dụng bã thải của giun trong chăn nuôi gia đình chị Khang mở rộng diện tích trồng rau sạch. Do phân giun không có mùi hôi như các loại phân gia súc, gia cầm lại có thể lưu giữ lâu ngày trong túi nilon mà không bị mốc, nên thuận lợi cho việc bảo quản và vận chuyển. Nuôi giun không những mang lại nguồn thu nhập cho gia đình mà còn giúp làm sạch môi trường xung quanh. Ngoài việc sử dụng giún quế để chăn nuôi và phân giun bón cây, vợ chồng anh chị cũng chế biến giun thành thực phẩm. Giun quế sau quá trình nuôi sẽ được xử lý làm phân vi sinh cao cấp, sơ chế thành mồi câu và làm các nguyên liệu chữa bệnh…. Bên cạnh đó, những bã thải sau khi được giun sử dụng hết chất mùn chúng lại được tận dụng trở thành giá thể tốt cho trồng trọt. Không chỉ vậy, công việc thu gom phế thải còn giúp tận dụng được những thứ bỏ đi. Thông qua công nghệ sinh học, chúng được xử lý thành bùn để đưa vào chăn nuôi, rất tiết kiệm.

Có được thành công như bây giờ, anh chị cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn, thất bại. Sau một thời gian tìm tòi và khắc phục những khó khăn, đến nay vợ chồng anh Khang đã tìm ra công nghệ đột phá là cho giun ăn chìm, mỗi tháng chỉ cần 1 lần. Không giống như cách cho ăn nổi 3 ngày/lần như trước mà giun vẫn đủ dinh dưỡng và sinh sản đều. Nhưng nhờ vào công nghệ ăn chìm giúp giun có thể ăn 24/24 vì con giun quế rất sợ ánh sáng nên trong 1 ngày sẽ chỉ ăn 12 tiếng. Về kỹ thuật, anh Khang cho biết nuôi giun quế không đòi hỏi khắt khe quy trình kỹ thuật, nếu nuôi lâu dài người nông dân nên xây chuồng, có mái che, có thể xây các ô liền nhau thành từng dãy dài, mỗi ô có 2 lỗ nhỏ để thoát nước. Đất nền cho giun quế cư trú tốt nhất là phân bò, phân trâu đã xử lý hoai mục; thường xuyên tưới ẩm, xới nền cho tơi xốp. Khu nuôi giun quế nên che chắn chống ánh sáng trực tiếp, hàng ngày tưới nước để tạo độ mát cho giun phát triển. Trong quá trình nuôi giun quế, phát hiện thấy kiến bò vào nơi giun sinh sống phải dùng chất đốt, đốt theo hướng kiến bò vào chuồng hoặc có thể dùng thuốc diệt kiến bôi lên trên vách chuồng.

Hiện tại, vợ chồng anh Khang đã có 3 trang trại nuôi giun, mỗi năm thu 4 tỷ đồng từ các hoạt động canh tác nông nghiệp sạch. Trang trại Mai Hiền của anh Khang, chị Đà đã giải quyết được nhiều việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động với thu nhập 4 – 7 triệu đồng/tháng.

Bình Phương