00:00 Số lượt truy cập: 2990683

Nuôi tôm công nghệ cao trên cát, lãi ròng 7 tỷ đồng mỗi năm 

Được đăng : 30/08/2020

nuoi-tom-cong-nghe-cao-tren-cat
 
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên cát

Vùng cát ven biển huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nằm trên địa bàn 3 xã Hải Ninh, Gia Ninh và Võ Ninh, diện tích ước khoảng trên 3.000ha, đây là vùng đất đầy tiềm năng để đầu tư đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, làm trang trại, trồng rừng và chăn nuôi... Nhận ra tiềm năng to lớn của vùng cát vốn dĩ rất khô cằn này, anh Ngô Văn Dương (SN 1976) đã mạnh dạn đầu tư đào ao nuôi tôm công nghệ cao. Với thành tích vượt khó vươn lên làm giàu trong lao động sản xuất, anh Dương được tôn vinh là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020". 

Sinh ra trong gia đình đông anh em ở vùng bãi ngang nghèo ven biển. Giống như những người dân biển nơi đây, gia đình anh thường ra khơi bằng bơ nan hay thuyền nhỏ nên thu nhập cũng bấp bênh. Ý thức được đi biển truyền thống may lắm cũng chỉ đủ ăn nên Dương quyết định lên bờ, quyết tâm lập thân, lập nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Bằng số vốn dành dụm ít ỏi, vợ chồng anh mua chiếc ô tô tải nhỏ vận chuyển tôm, cá, dầu đèn từ vùng này đi vùng khác. Lúc ấy, phong trào nuôi tôm trên cát phát triển rầm rộ. Sau một thời gian suy nghĩ, với ý chí quyết tâm làm giàu cộng với sự nhạy bén nhiệt huyết của mình, anh Dương lại nảy ra ý định đầu tư nuôi tôm. Khó khăn lớn nhất là không tìm ra nguồn vốn. Anh phải bán xe tải để lấy tiền đầu tư nuôi tôm. Sợ vợ không đồng ý, Dương nói với vợ là bán xe để mua xe trọng tải lớn hơn. Cộng với số vốn vay ngân hàng hơn 300 triệu đồng, anh thuê 10.000m2 đất nuôi trồng thủy sản để đào 3 ao nuôi tôm thẻ chân trắng.

Ngày đầu bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kiến thức, kinh nghiệm. Dương phải thuê người về làm kỹ thuật cho mình. Nhưng năm đầu cũng chỉ loay hoay với tôm bệnh, tôm chết nên vốn có nguy cơ teo tóp dần. Anh đã lặn lội đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm, quá trình làm, sai sót ở đâu để đúc rút để khắc phục. Anh nhận thấy, muốn tôm khỏe, đầu tiên môi trường nước nuôi phải thật sạch. Vì thế ao tôm của Dương được thay nước mỗi ngày. Hồ tôm được cải tạo có đáy hình lòng chảo nên khi thay nước các tạp chất, thức ăn thừa được đẩy ra hết. Thay cho việc cho tôm nghỉ sau khi ăn như lý thuyết, Dương bật máy sục khí luôn để tôm vận động nhiều hơn. Kết quả thật bất ngờ, tôm ăn càng khỏe, thức ăn dư lại ít dần, tôm lớn vượt lên, năng suất cao hơn hẳn. Không dừng lại ở chuyện con tôm ít bệnh, ăn khỏe, chóng lớn, Dương tìm tòi và tăng dần mật độ con giống trên diện tích nuôi. Anh chia sẻ: "Việc đầu tiên tôi nghĩ đến khi bắt tay vào nuôi tôm công nghệ cao là phải đảm bảo môi trường, trang trại nuôi tôm của tôi sử dụng những hồ chứa có quy mô để xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường”. Để lấy nước cho hồ tôm, Dương đưa ống nước ra xa cách bờ chừng 30-40m, khoan xuống đáy biển ở độ sâu 3-4 m. Cách lấy này thì dù nước biển có thay đổi kiểu gì thì nước ở đáy sâu vẫn không bị ô nhiễm hay mang mầm bệnh. Đó là giải pháp an toàn cho nước nuôi tôm. Ngoài ra, cũng kiểm tra hàng ngày để biết độ PH, kiềm trong nước hồ để xử lý cho phù hợp.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao, các kiến thức khoa học kỹ thuật, đồng thời học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm công nghệ cao từ bạn bè đã kinh qua nuôi tôm. Sau nhiều năm đầu tư nuôi tôm, vượt qua bao gian nan khó khăn, đến nay, anh Dương có 20 ao nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 5ha. Sản lượng hằng năm từ 130 đến 160 tấn tôm thẻ chân trắng thương phẩm, thu nhập sau khi trừ chi phí hơn 7 tỷ đồng/năm.

Năm đầu tiên, chỉ vài hộ nuôi, thấy Dương “đánh đâu thắng đó” hàng chục, rồi cả trăm hộ dân làng biển Hải Ninh “gác” nghề biển giã theo Dương nuôi tôm. Mô hình của anh trở thành nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm của nhiều nông dân có mong muốn làm giàu từ con tôm. Anh chẳng giấu nghề, sẵn sàng giúp đỡ mọi người vốn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm công nghệ cao bản thân có được từ nhiều năm nuôi tôm với mong muốn giúp đỡ mọi người để mong cả làng thành tỷ phú. Bên cạnh đó, anh Ngô Văn Dương cùng với các hộ nuôi tôm trên địa bàn xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và các vùng lân cận thành lập hội nhóm nuôi tôm thông qua mạng xã hội, thường xuyên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, đưa ra những lời khuyên để kịp thời xử lý các vấn đề xảy ra với con tôm.

Bình Nguyên