Hiện tại, toàn xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) có khoảng 50-60 bè cá. Năm 2023, Chi hội Nghề nghiệp nuôi cá lồng bè được thành lập với 10 hộ. Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân, mỗi hộ được hỗ trợ 50 triệu đồng để phát triển nghề nuôi cá.
Anh Phan Văn Lộc (ấp Lộc Chánh) có kinh nghiệm nuôi cá lồng bè gần 20 năm. Hiện tại, anh nuôi 2 bè cá lóc bông và cá lóc đầu nhím. Ngoài ra, anh còn thử nghiệm nhiều loại như cá vồ đém, diêu hồng, thác lác còm.
Theo anh Lộc, chi phí cho 1 bè cá 8m2 từ 30-35 triệu đồng, bảo quản tốt có thể sử dụng đến 10 năm. Cá lóc giống được anh mua từ tỉnh Đồng Tháp, giá cá lóc giống là 600 đồng/con, người bán giao tận nơi. Vốn khởi đầu để mua con giống và làm bè khoảng 50 triệu đồng/bè.
Mỗi năm, anh Lộc thu hoạch cá 3 đợt, mỗi bè 4.000 con đạt hơn 1 tấn cá lóc. Với giá cá lóc hiện nay 48.000 đồng/kg, sau 2 vụ là có thể thu hồi vốn và có lợi nhuận.
Cũng theo anh Lộc, đoạn sông Vàm Cỏ Đông chảy qua xã Lộc Giang rất thích hợp nuôi cá lồng bè, đặc biệt là cá lóc vì loài này sức sống mạnh, ít nhiễm bệnh.
Anh Phan Văn Lộc (ấp Lộc Chánh, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) thành công với mô hình Nuôi cá lồng bè trên sông Vàm Cỏ Đông. Anh Lộc nuôi cá lóc là chính, ngoài ra anh còn nuôi cá vồ đém, cá thác lác, cá diêu hồng...
Cá nuôi lồng bè lớn nhanh, ước tính sau 3 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng 200-300gr nếu cho ăn thức ăn công nghiệp.
Người dân trong vùng tận dụng điều kiện sông, rạch, thường xuyên bắt cá tạp đem về xay ra làm mồi cho cá nuôi trong bè. Nhờ đó, cá lớn nhanh (3 tháng đạt hơn 400gr), nông dân đỡ được chi phí thức ăn, có thêm lợi nhuận.
Cá nuôi lồng bè ở xã Lộc Giang đạt chất lượng thịt khá tốt nhờ cá sống trong môi trường nước lưu chuyển liên tục, sạch.
Hiện tại, nhờ người nuôi cá lồng bè đoàn kết thành lập chi hội, chất lượng thịt cá tốt nên không bị thương lái ép giá và được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.
Anh Lộc chia sẻ: “Cá lồng bè dễ nuôi, không quá vất vả. Nếu người nuôi siêng năng bắt cá tạp làm mồi thì lợi nhuận càng cao. Tuy nhiên, muốn theo nghề này đòi hỏi phải có vốn ban đầu tương đối lớn, nhiều hộ muốn nuôi nhưng không đủ tiền.
Do đó, tôi và người dân nơi đây mong nhận thêm sự hỗ trợ để phát triển nghề này; đồng thời cũng mong được tập huấn thêm nhiều lớp kỹ thuật nuôi cá”.
Theo Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Lộc Chánh - Đặng Văn Phạng, địa phương có lợi thế để phát triển nghề nuôi cá lồng bè. So với trồng lúa, trồng màu thì mô hình này đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Mỗi năm, nông dân có lợi nhuận vài chục triệu đồng.
Sắp tới, Chi hội Nông dân ấp đề xuất Hội Nông dân cấp trên xem xét, hỗ trợ thêm vốn, kỹ thuật để phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên dòng sông Vàm Cỏ Đông và nhân rộng cho nhiều ấp khác.
Nguồn: Danviet.vn