Trả lời:
Những khó khăn khi trồng nho ở Miền Bắc:
Do đặc thù của Miền bắc khí hậu khắc nghiệt như, mưa to, gió lớn, bão; nắng gay gắt nhiệt độ cao kéo dài; gió mùa đông bắc nhiệt độ xuống thấp có nơi có tuyết, bên cạnh đó mùa xuân ẩm ướt, ẩm độ không khí rất cao. Tất cả những yếu tố trên gây bất lợi cho cây nho sinh trưởng và phát triển; gây nhiều sâu bệnh hại nho.
Cách khắc phục:
Phải có mái che được làm bằng nilon trong suốt, để che mưa lớn tránh làm táp lá, rụng hoa, quả, che sương muối hạn chế sâu, bệnh hại.
Làm luống rộng 1,5m, cao 0,5m để chống ngập úng khi mưa to kéo dài.
Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để giảm công tưới nước.
* Bón lót: Một gốc nho được bón theo tỷ lệ 20 kg phân chuồng hoai mục + 0,2 Kg NPK13-13-13+TE bón vào rãnh đào dọc luống trồng nho trước khi cắt cành 1 tháng, cách gốc nho 20 -30 cm.
* Bón thúc: Sử dụng các loại phân cao cấp của Việt Nam như: NPK 15-15-15+TE, NPK 20-20-20-TE, NPK 16-10-40+TE, Humic Honic VN…. hòa tan trong nước tưới theo hệ thống tưới nhỏ giọt, bón nhiều lần theo yêu cầu dinh dưỡng của cây nho.
Thực hiện phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, phát triển và quản lý dịch hại từ sớm. Thực hiện phối hợp giữa các biện pháp thủ công bẫy bả, để phát triển và phòng trừ dịch hại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Giai đoạn chưa ra quả:
Sử dụng các loại thuốc đặc trị để xử lý triệt để nấm bệnh cũng như côn trùng phá hoại cây nho khi dịch hại đã vượt mức gây hại kinh tế.
Đối với bệnh Sương mai: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gốc đồng ( Copper hydroxit) hoặc các thuốc có chứa hoạt chất Mancozeb phun kép sau 3 – 5 ngày.
Đối với nhóm bọ chích hút ( bọ trĩ, rầy, rệp): sử dụng các thuốc chứa hoạt chất như Carbofuran, hoặc thiamethoxam.
Khi cây có quả:
Sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học như hoạt chất Abamectin, Emamectin, dầu khoáng… và các sản phẩm có nguồn gốc thảo mộc như tỏi, ớt, gừng… để phòng trừ hiệu quả và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lê Văn Khôi