00:00 Số lượt truy cập: 2986023

Ông Sính ở Hà Tĩnh hỏi: Nuôi kỳ đà có khó không? Cách nuôi thế nào? 

Được đăng : 15/06/2020

Trả lời:

Kỳ đà thuộc lớp động vật bò sát, Kỳ Đà thường sống trong những hang hốc, khi được thuần hóa, nuôi nhốt kỳ đà có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Kỳ đà trưởng thành có thể dài 2,0m, nặng từ 5 -7 kg.

Chuồng nuôi

Chuồng nuôi kỳ đà cũng giống như chuồng nuôi cá sấu, có lưới bảo vệ để kỳ đà không thoát ra ngoài. Trong chuống đặt những ống cống đúc bằng xi măng đường kính từ 10 – 30cm.

Khu nuôi kỳ đà phải yên tĩnh, mát mẻ, trong khu nuôi phải tạo ra các bể nước gần với thiên nhiên.

Diện tích chuồng: dài 3 - 5 m, rộng 2 - 3 m, cao 3 m, chỗ đặt chuồng phải đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, đông ấm, hè mát. Kỳ đà có thể sống ở nhiệt độ 60o C nhưng lạnh dưới 10 độ C kỳ đà sẽ chết.. Kỳ đà thường hay ăn và uống vào ban đêm, nên cho ăn vào chiều tối, thay nước uống hàng ngày.

Chọn giống và thả giống

Chọn giống: Chọn những con to khỏe không dị tật. Kỳ đà đực có gốc đuôi phồng to, và có gờ, khi bóp vào gốc đuôi sẽ thấy gai giao cấu màu đỏ thẫm lòi ra ở lỗ huyệt. Kỳ đà cái có đuôi thon nhỏ, lỗ huyệt nhỏ lép, khi bóp vào gốc đuôi không có gai giao cấu lòi ra. Mỗi chuồng thả 1 con đực với ba con cái.

Thức ăn

Thức ăn của Kỳ đà rất đa dạng như: cào cào, châu chấu, mối, gián, cóc, ếch, nhái, gà vịt, cá,thịt, ruột gia súc, gia cầm… cứ 2 ngày cho ăn 1 lần. Không dùng các loại thức ăn ôi thiu, bị nấm mốc.

Một số bệnh của Kỳ đà

Táo bón: Dùng thuốc  dạng dầu bơm vào lỗ huyệt, có khi phải dùng ngón tay móc phân cục ra. Cho ăn thức ăn kết hợp thuốc nhuận tràng…

Tiêu chảy: Thường do thức ăn không đảm bảo vệ sinh, dùng thuốc điều trị tiêu chảy thú y cho uống hoặc trộn vào thức ăn.

Ký sinh trùng đường ruột: Kỳ đà còi cọc, chậm lớn, trong phân có ấu trùng giun, sán. Cần thiết phải cho kỳ đà tẩy giun sán 2 lần/năm.

Ký sinh trùng ngoài da: Ve bám trên da hút máu. Dùng thuốc sát trùng chuồng trại sạch sẽ…

P.Loan