00:00 Số lượt truy cập: 3040125

Phát huy lợi thế vùng ven biển để xây dựng nông thôn mới nâng cao 

Được đăng : 05/10/2023
Phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã cố gắng tích cực thực hiện hoàn thành các tiêu chí, khai thác và chú trọng phát triển kinh tế tập thể, HTX, phát triển nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, qua đó thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Nhiều chương trình phát triển kinh tế được xã chú trọng đầu tư

Xã Đa Lộc là 1 trong số 6 xã ven biển của huyện Hậu Lộc được biết đến là xã có địa hình không thuận lợi, luôn trong tình trạng bị xâm nhập mặn và thiên tai thường xuyên xảy ra, gây bất lợi cho người dân địa phương trong việc phát triển kinh tế.

thu-thuy

Người dân Đa Lộc đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác thủy hải sản theo mô hình kinh tế tập thể, HTX để phát triển kinh tế và xây dựng NTM.

Tuy nhiên, những năm gần đây, xã Đa Lộc đang dần có sự khởi sắc khi các cấp, các ngành và người dân cùng đồng lòng tham gia chương trình xây dựng NTM. Cũng nhờ có chương trình xây dựng NTM mà nhiều dự án hỗ trợ đã giúp người dân Đa Lộc thay đổi suy nghĩ, cách làm; người dân nơi đây đã tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, kết hợp khai thác tốt lợi thế của vùng ven biển.

Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản tại xã Đa Lộc đạt khoảng 504 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm quảng canh vào khoảng 194 ha, tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh là 400 ha.

Đặc biệt, mô hình nuôi tôm thẻ trong nhà kính tại thôn Mỹ Điền, Yên Lộc đã mở ra hướng đi mới cho nuôi trồng thủy sản. Xã cũng khuyến khích các hộ liên kết với nhau thành lập các tổ hợp tác nuôi tôm thu hút hàng trăm hộ tham gia, mang lại việc làm và thu nhập trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng cho bà con.

Bên cạnh việc khai thác thuỷ hải sản, trong vòng 5 năm qua, người dân xã Đa Lộc còn trồng mới và chăm sóc được 235 ha rừng ngập mặn, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn lên 452 ha. Nhờ có cánh rừng ngập mặn trù phú đã giúp giảm thiểu tác động của thiên tai, vừa tạo điều kiện cho những hộ nghèo trên địa bàn xã có thêm sinh kế, cải thiện đời sống. Đặc biệt, nghề nuôi ong bằng hoa rừng ngập mặn tại đây rất phát triển. Năm 2021, Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc được thành lập với 20 thành viên. Đến nay, Tổ hợp tác đang nuôi hơn 500 đàn ong nội, mỗi năm cung ứng khoảng 20 tấn mật hoa sú vẹt ra thị trường. Đến tháng 3/2023, sản phẩm mật ong rừng ngập mặn sú, vẹt đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hóa.

Không dừng ở việc đầu tư phát triển kinh tế biển, chính quyền xã Đa Lộc cũng chú trọng thực hiện chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, vận động, hướng dẫn các hộ dân chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình phát triển kinh tế cao như: Đã có 14,51ha được thực hiện chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghiệp hiệu quả; 4,36 ha sang trang trại chăn nuôi công nghiệp; 16,68 ha mô hình cá lúa và trang trại tổng hợp; 3 ha trồng rau an toàn; cải tạo gần 15 ha vườn tạp để trồng cây ăn quả...

Chăn nuôi phát triển mạnh, đến nay, toàn xã đã có 16 trang trại, các trang trại đều đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn với tổng số lượng gia súc, gia cầm hơn 141.000 con, trong đó đàn trâu, bò bình quân hằng năm 667 con, đàn lợn 9.000 con, đàn gia thủy cầm 132.000 con.

Việc phát triển mô hình kinh tế tập thể, sản xuất theo chuỗi giá trị cũng được chính quyền xã chú trọng với 13 trang trại chăn nuôi theo mô hình liên kết, 64 mô hình cá - lúa chăn nuôi kết hợp, 2 HTX và 1 tổ hợp tác. Những mô hình này đã thu hút và tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.

Nhờ chủ động nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong phát triển ngư nghiệp và nông nghiệp, kinh tế Đa Lộc ngày càng khởi sắc.

Người dân sẵn sàng tham gia xây dựng NTM cùng chính quyền địa phương

 Từ một xã có xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế và thu nhập không cao, với sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân, cuối năm 2020, xã Đa Lộc đã hoàn thành 19/19 tiêu chí theo quy định, thành công đưa địa phương trở thành xã NTM.

Được sự chỉ đạo của UBND xã, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã đã có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng NTM tại địa phương. Các cấp Hội của 2 ngành đã tuyên tuyền, vận động hội viên của mình, người dân thông qua nhiều hình thức, đặc biệt là qua các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo kêu gọi mọi người tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể, HTX và tổ hợp tác để phát triển kinh tế địa phương, chung tay xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã cũng góp phần quan trọng trong việc đảm bảo các tiêu chí về môi trường. Cụ thể, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đã phát động phong trào tổng dọn vệ sinh trên toàn xã, xây dựng các đường hoa do Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tự quản; xây dựng mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”, vận động mỗi nhà có một thùng rác, phân loại rác thải tại nguồn…

Xác định được tầm quan trọng của giao thông nông thôn, chính quyền địa phương đã không ngừng nỗ lực cho sự phát triển lâu dài. Nổi bật là phong trào “hiến đất làm đường" diễn ra từ năm 2020 đến nay, được nhân dân trong xã hưởng ứng nhiệt tình.

Tính đến đầu năm 2023, xã đã vận động gần 400 hộ gia đình tham gia hiến hơn 14.000m2 đất. Có những con đường chỉ rộng khoảng 2m nay đã được mở rộng lên đến 4-5m. Nhiều gia đình sẵn sàng hiến đất ở, dỡ nhà, cổng, tường rào, công trình phụ,... để bàn giao mặt bằng, nhằm cải tạo đường mới đẹp như đường phố.

Đến nay, Đa Lộc đã bê tông hóa được 21km đường giao thông nội thôn và nội đồng. Tỷ lệ bê tông hóa đường giao thông liên thôn đạt trên 95%, cứng hóa đường giao thông chính nội đồng đạt trên 75%; xây dựng mới 3,2km mương tưới; đào đắp, nạo vét 44.453m3 đất đảm bảo cho việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất.

Trong đó, nhiều tiêu chí khó đều đã được xã hoàn thành như: 100% đường giao thông liên xã, liên thôn, đường làng ngõ xóm được cứng hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,63%.

Đặc biệt, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM được đẩy mạnh, cơ sở hạ tầng trang thiết bị chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được đầu tư nâng cấp, quốc phòng an ninh, công tác xây dựng hệ thống chính trị luôn được đảm bảo.

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người tại xã Đa Lộc là khoảng 52 triệu đồng/năm, cao hơn đáng kể so với con số 46,7 triệu đồng vào năm 2020.

Ông Lê Văn Chín – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đa Lộc cho biết: Giai đoạn 2022-2025, chính quyền xã Đa Lộc nỗ lực thực hiện kế hoạch đưa địa phương trở thành xã NTM nâng cao, trong đó phấn đấu có 3 thôn sẽ đạt thôn NTM kiểu mẫu. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ khó, chính quyền xã dự kiến kêu gọi thêm sự hỗ trợ từ người dân, các cấp các ngành để hoàn thành nhiệm vụ này trong thời gian sớm nhất. Mục tiêu đến cuối năm 2023, xã đưa thôn Ninh Phú cán đích NTM kiểu mẫu và hoàn thành xã NTM nâng cao vào năm 2025.

                                                                                Thu Thủy