00:00 Số lượt truy cập: 3041404

Phát huy tài nguyên bản địa, xây các sản phẩm OCOP đóng góp vai trò quan trọng xây dựng nông thôn mới ở Bắc Giang 

Được đăng : 19/06/2023

van-anh2 

Tỉnh Bắc Giang là một địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, toàn diện cả về công nghiệp, thương mại dịch vụ và nông nghiệp, có xu hướng trở thành một trong những trung tâm phát triển nông nghiệp, công nghiệp của vùng trung du miền núi phía Bắc. Tỉnh Bắc Giang luôn xác định nông nghiệp có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nên đã tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành đồng bộ cơ chế chính sách nhằm khai thác được tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Nhờ đó nền nông nghiệp của tỉnh đã phát triển nhanh và toàn diện, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, trở thành điểm sáng, nổi bật, đứng trong tốp đầu cả nước. Đồng thời đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: Vùng cây ăn quả trên 41.000 ha, trong đó vùng vải thiều tập trung 28.000 ha; vùng cây có múi gần 11.000 ha, vùng rau an toàn gần 12.000 ha; đàn lợn khoảng 1 triệu con, đàn gia cầm trên 20 triệu con, trong đó đàn gà trên 17,2 triệu con... Hiệu quả sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, giá trị sản xuất/1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 135 triệu đồng/năm. Toàn tỉnh đã có 06/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 144/182 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 79,1%%; 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (23,6%); 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 243 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 17,1 tiêu chí/xã. Đây là tiền đề và lợi thế lớn của tỉnh trong việc lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Xác định chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, giải pháp quan trọng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững giai đoạn 2021-2025. Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045.Tỉnh ủy  giao cho Hội nông dân tỉnh xây dựng và thực hiện Đề án Hội nông dân các cấp là nòng cốt trong sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, hợp tác chuối giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP giai đoạn 2022-2025.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã được các cấp hội triển khai trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực nông nghiệp nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp không chỉ ở những vùng thuận lợi mà cả ở vùng sâu, vùng xa, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Xác định rõ việc, rõ kết quả, ngay từ đầu năm Hội Nông dân tỉnh bố trí nguồn lực cùng các cấp hội trong tỉnh tập trung tư  vấn, hướng dẫn xây dựng mới được 22 sản phẩm đạt 220% kế hoạch góp phần nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 205 sản phẩm,  trong đó có 31 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao (chiếm trên 2% tổng sản phẩm OCOP toàn quốc); 174 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, chủ động, tích cực tham gia chương trình OCOP của các chủ thể kinh tế, nòng cốt là các hợp tác xã. Các sản phẩm OCOP được công nhận đều mang đặc trưng sản xuất của các làng nghề truyền thống như: Mỳ chũ, mỳ Châu Sơn, rượu Vân, bún Đa Mai…; bên cạnh các sản phẩm nổi tiếng, lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: Gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa, vú sữa Hợp Đức, mật ong Tây Yên Tử, trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo, sâm núi Dành… Các sản phẩm đều có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như ISO 22000; HACCP; VietGap; Global Gap… 

Với quan điểm để thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, đưa Chương trình OCOP vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, đồng thời trở thành chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về tài nguyên bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đảm bảo đúng tiến độ thời gian và hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 350 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 5 sao và khoảng 90% sản phẩm OCOP thuộc doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia chương trình OCOP. Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông lâm thủy sản bình quân đạt 2 - 3%/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 3 lần so với năm 2020; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống còn 18%; bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 15.000 lao động nông thôn; có 95% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó khoảng 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều giải pháp cụ thể để triển khai đến các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong đó có nhiều nội dung giải pháp mà các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cần tập trung thực hiện.

Chu trình OCOP được triển khai thực hiện theo quy định đảm bảo nguyên tắc: Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế, chính sách, định hướng, quản lý, giám sát, hỗ trợ, tập huấn, xúc tiến thương mai và quảng bá sản phẩm. Cơ sở sản xuất đề xuất trực tiếp theo nhu cầu và khả năng thực tế. Rà soát đánh giá tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm hiện có, định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP; ưu tiên đầu tư hợp lý cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu …

Đẩy mạnh hướng dẫn chuẩn hoá quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương; phát triển sản phẩm OCOP theo 06 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng. Khuyến khích các chủ thể sản xuất đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu, dịch vụ du lịch trải nghiệm gắn với sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương.

Tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về chuyển đổi số; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP; tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, nâng cao hình ảnh giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường. Nhân rộng các mô hình xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số; nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với chuỗi liên kết giá trị sản phẩm OCOP.

Bắc Hà