00:00 Số lượt truy cập: 2940887

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới 

Được đăng : 14/11/2022

nongthonmoi171351118
Sớm có cơ chế, chính sách đảm bảo cho người nông dân thực sự là chủ trong xây dựng NTM. 
 

Do chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, chưa quán triệt và thực hiện tốt phương châm “nông dân là chủ thể” nên sự tham gia của quần chúng nhân dân trong xây dựng nông thôn mới có lúc, có nơi còn chưa tích cực, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào đầu tư, dẫn dắt của Nhà nước. Điều tra năm 2019 của IPSARD cho thấy chỉ có 68,1% số hộ cho biết mình có quyền tham gia ý kiến vào quy hoạch, kế hoạch, đề án nông thôn mới của địa phương; chỉ có 55% số hộ cho biết mình có quyền tham gia ý kiến lựa chọn công trình, dự án; 66,9% số hộ cho biết mình có quyền giám sát quá trình thực hiện các dự án nông thôn mới...

Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Trong khi đó, những lực lượng mới cho phát triển nông thôn chưa được phát huy đúng tiềm năng. Sự phát triển của kinh tế gia trại, trang trại còn hạn chế, số lượng ít (chỉ có 31.668 trang trại, chiếm gần 0,4% số hộ nông nghiệp), quy mô nhỏ (chỉ tương đương mức kinh tế hộ ở các nước khác). Doanh nghiệp chưa được phát huy hết tiềm năng trong phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp, chỉ chiếm 1,2% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Trong khi đó, có đến 4 triệu hộ kinh doanh cá thể ở nông thôn nhưng chưa sẵn sàng đăng ký để trở thành doanh nghiệp do lo ngại về các thủ tục đăng ký kinh doanh, sự phức tạp của chính sách thuế... Phong trào khởi nghiệp trong thanh niên nông thôn chưa được quan tâm rõ nét. Vẫn còn những e ngại của các cấp quản lý đối với xung đột quyền lợi giữa nông dân với doanh nghiệp nên chưa có chủ trương, chính sách và giải pháp mang tính đột phá để tạo dựng và phát huy đầy đủ xung lực của những lực lượng mới cho phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp yếu. Việc hình thành và cơ cấu lại hợp tác xã chưa đủ mạnh, nhiều hợp tác xã thành lập trước đây nhằm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới đều chưa được tổ chức và triển khai theo Luật hợp tác xã, chưa thể hiện được bản chất của hợp tác xã, hoặc các thành viên tham gia hợp tác xã theo hình thức “đánh trống ghi tên”, các giám đốc hợp tác xã chưa rõ vai trò và nhiệm vụ, từ đó lúng túng trong cách quản trị, sản xuất và kinh doanh.

Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế, chưa tạo “đột phá” để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm, ngành, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng hơn. Trình độ công nghệ nhìn chung còn thấp, chưa tạo sức mạnh lan tỏa và thúc đẩy nhanh quá trình thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, thiếu liên kết, không chuyên nghiệp. Tuy trình độ ứng dụng khoa học công nghệ của nông dân đã có những chuyển biến tích cực nhưng sự đóng góp của đầu tư khoa học công nghệ trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chưa thực sự nổi bật; đầu tư cho khoa học công nghệ nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam.

Sớm có cơ chế, chính sách đảm bảo cho người nông dân thực sự là chủ trong xây dựng NTM. 

 

                                                                                  Nhật Anh