Nhờ sự cần cù lao động, học hỏi, khai thác và ứng dụng các thành tựu khoa học mới, công nghệ cao, cùng với sự quan tâm của tổ chức hội, anh Tuấn được đi tham quan nhiều mô hình ở nhiều nơi để học hỏi đúc kết kinh nghiệm, cách làm hay, anh đã xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, gà, phát triển vườn cây giống và cây ăn quả.... Trang trại của anh gồm 1 dãy chuồng nuôi gà, 1 dãy chuồng nuôi lợn, 2 dãy chuồng cách nhau khá xa và cùng xây dựng trên 1 khu đất có diện tích khá rộng gần 8 ha.
Ban đầu, anh ươm cây giống để cung cấp giống cây trồng cho bà con trong huyện. Sau đó, anh tìm hiểu và nhận các gói thầu về cung ứng cây giống cho các Dự án nông nghiệp trong và ngoài huyện. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, song song với việc sản xuất cây giống thì anh chăn nuôi gà bản địa, lợn rừng. Ban đầu, anh nuôi quy mô vừa để học tập kinh nghiệm và tìm kiếm thị trường. Sau đó mới tăng dần quy mô nuôi.
Hiện nay, trang trại của anh có 1.500 con gà, 200 con lợn (trong đó có 20 lợn nái và 2 lợn đực giống). Các loại vật nuôi đều được nuôi theo hình thức bán chăn thả, thời gian nuôi kéo dài từ 5 tháng trở lên. Con giống được tiêm phòng vắc - xin theo quy trình. Ngoài ra, để phòng trị bệnh cho vật nuôi, anh còn dùng rượu tỏi, các loại cây thảo dược như hoàng ngọc, rau tần, thuốc cứu, sả, quế... cho vào thức ăn, nước uống, giúp nâng cao sức đề kháng, có thể thay thế kháng sinh. Thức ăn cho vật nuôi được phối trộn từ các nguyên liệu như ngô, sắn, cám gạo, bánh dầu, bột đầu cá, hèm bia, bã đậu nành, ... bên cạnh đó còn bổ sung các loại rau xanh như rau lang, rau muống, cỏ voi, cây chè đại... Với cách nuôi như vậy, vật luôn được khỏe mạnh, phát triển tốt, ít bị dịch bệnh và có chất lượng thịt thơm ngon đặc trưng.
Với cách nuôi gối đầu, 1 năm anh nuôi được 4 - 5 lứa với số lượng 7.500 con gà, và 800 - 1.000 con lợn. Với giá bán từ 120.000 - 150.000 đồng/kg gà, 110.000 - 140.000 đồng/kg lợn, doanh thu của anh lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Đối với sản phẩm gà, ngoài việc tiêu thụ tại địa phương, anh còn liên kết tiêu thụ tại các cửa hàng thực phẩm sạch ở thành phố Hồ Chí Minh. Còn thịt lợn chủ yếu tiêu thụ tại các nhà hàng ở Đà Nẵng. Hiện nay, trang trại của gia đình anh thường tạo công ăn việc làm cho 4 lao động tại đại phương với mức thu nhập ổn định 5 - 6 triệu đồng/tháng. Anh Tuấn cho biết, anh sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với bà con nông dân đang nuôi heo mọi, gà thả vườn hoặc đang có nhu cầu liên kết để tiêu thụ sản phẩm tại địa phương. Dự kiến trong thời gian tới anh tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng để mở rộng quy mô phát triển, đồng thời nuôi bò để có thêm thu nhập.
Mô hình chăn nuôi của anh Tuấn phù hợp với sự phát triển chung của xã hội, phù hợp với nhu cầu của xã hội về ăn uống lành mạnh, thức ăn sạch, an toàn, không kháng sinh... nên được mọi người quan tâm. Vì thế, thị trường tiêu thụ sản phẩm sẽ có nhiều tiềm năng và cơ hội. Để phát triển ổn định và bền vững, người nông dân cần liên kết sản xuất để tạo ra nguồn sản phẩm ổn định, chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thị trường, góp phần tăng giá thành và thu nhập cho người chăn nuôi.
Vân Anh