Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh và huyện Hội, Hội Nông dân xã Mường Sang đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ nhau làm giàu bền vững. Với lợi thế đất đai màu mỡ, nguồn nước tưới tiêu ổn định, hội viên, nông dân Mường Sang đang mở rộng diện tích sản xuất rau theo hướng hàng hóa, tăng thêm thu nhập, xã Mường Sang trở thành một trong những địa phương có diện tích trồng rau quy mô lớn, theo quy trình VietGAP của huyện Mộc Châu.
Thời gian qua, Hội Nông dân xã Mường Sang đã và đang tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi sản xuất từ tự cung, tự cấp, sang sản xuất hàng hoá, đổi mới kinh tế nông, lâm nghiệp, khai thác tối đa tiềm năng đất đai, tài nguyên, lao động. Hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường đầu tư thâm canh hình thành nên những vùng sản xuất tập trung chất lượng cao.
Điển hình như Bản Nà Ngà 2 có diện tích rau xanh lớn nhất xã Mường Sang, với hơn 40 ha, cung cấp rau cho thị trường trong và ngoài huyện. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, nên nhiều năm nay, các hộ dân ở bản đã mở rộng diện tích trồng rau và đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, mua máy móc thiết bị, hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, sản xuất rau xanh theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thăm vườn rau của gia đình anh Nguyễn Văn Quân, bản Nà Ngà 2, với hơn 2 ha trồng rau các loại, mỗi năm gia đình anh Quân có thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương. Anh Quân, chia sẻ: Gia đình tôi và những người trồng rau ở đây không bao giờ để đất nghỉ, một năm trồng 3 vụ chính và một vụ phụ các loại rau theo quy trình VietGAP, vì vậy việc tiêu thụ sản phẩm rất dễ dàng.
Còn tại hợp tác xã (HTX) rau an toàn An Tâm có hơn 20 ha rau xanh, chủ yếu là súp lơ, bắp cải, su hào, hành, tỏi và rau gia vị... Khi nhận đơn của các khách hàng, HTX sẽ phân bổ số lượng, lên kế hoạch và giao cho các thành viên sản xuất, tránh gieo trồng cùng thời điểm, nhờ đó sản phẩm của HTX luôn được tiêu thụ ổn định. Chị Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc HTX, cho biết: hiện nay, người tiêu dùng thích lựa chọn loại rau sản xuất không dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu, mà dùng phân hữu cơ, phân chuồng ủ kỹ. Để bảo đảm năng suất và chất lượng, HTX vận động hội viên đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng các mô hình tưới nước tiết kiệm, trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nhờ đó các sản phẩm rau sạch của HTX luôn giữ uy tín trên thị trường. Từ đầu năm đến nay, sản lượng rau an toàn của HTX đạt trên 300 tấn, tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, Hòa Bình…
Trong những năm qua, để khai thác lợi thế diện tích đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ quanh năm, xã Mường Sang đã tổ chức quy hoạch diện tích đất ở các bản An Thái, Nà Ngà 2, Nà Bó 2, Bãi Sậy... cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Hiện nay, xã đã có nhiều HTX và tổ hợp tác trồng rau, tạo thu nhập và việc làm ổn định cho hàng trăm lao động.
Hiện nay, xã Mường Sang có trên 150 ha chuyên canh rau xanh, năng suất đạt gần 3.000 tấn/năm với đa dạng các loại rau có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng như: Bắp cải, cà chua, bí đao, đậu cove, cải các loại... Với sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, mô hình trồng rau theo chuẩn VietGAP trên địa bàn xã ngày càng được nhân rộng; bảo đảm nguồn cung ứng rau sạch cho thị trường, giúp cho các hộ nông dân nâng cao thu nhập từ sản xuất rau.
Tạo thuận lợi cho việc mở rộng diện tích trồng các loại rau xanh, ngoài sử dụng nguồn nước tự nhiên, hệ thống các kênh tưới tiêu cũng được chính quyền xã Mường Sang quan tâm đầu tư. Toàn xã hiện có hơn 12 km mương dẫn nước được kiên cố hóa, nguồn nước ổn định quanh năm, bảo đảm nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Cả xã có trên 70% diện tích chuyên canh rau được lắp đặt hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, giúp đất luôn giữ được độ ẩm, cây trồng phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao, tiết kiệm được công sức và thời gian cho người nông dân.
Cùng với đó, Hội nông dân xã chủ động phối hợp tư vấn, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất rau xanh theo hướng hàng hóa; phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc rau màu, quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Thực hiện thâm canh tăng vụ, nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác, cách sử dụng phân bón hữu cơ hoai mục, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, phân chuồng ủ bón cho rau; hỗ trợ giống, vật tư, phân bón cho bà con nông dân.
Để phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có sức lan tỏa, Hội Nông dân xã Mường Sang còn thường xuyên tổ chức các đợt tổng kết, biểu dương khen thưởng các hội viên, nông dân nhằm khơi dậy khí thế thi đua sôi nổi, phát hiện những gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt và khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương… Từ đó, khuyến khích những hộ làm kinh tế giỏi nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập cho bà con nông dân góp phàn vào công cuộc xây dựng nông thôn mí của địa phương.
Ông Hoàng Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Sang, cho biết: Thời điểm công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, mức thu nhập bình quân đầu người ở xã mới đạt hơn 20 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 8%. Sau 5 năm, mức thu nhập của người dân đã nâng lên gần 50 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,9%. Mục tiêu đến năm 2025, Mường Sang phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người 54 triệu đồng/năm.
Vi Tiến Trình