1. Bệnh xuất huyết do vi – rút
a. Dấu hiệu bệnh lý
- Ðầu tiên cá yếu, bơi lờ đờ, kém ăn hoặc bỏ ăn.
- Gốc vây, nắp mang, xoang miệng xuất huyết, mắt lồi xuất huyết, hậu môn, gốc vây chuyển sang màu đỏ.
- Cơ dưới da xuất huyết cục bộ hoặc xuất huyết toàn phần.
- Ruột xuất huyết nhưng không hoại tử.
- Cá bị bệnh từ 3 - 5 ngày có thể chết, tỷ lệ chết 60 - 80%, có khi chết đến 100%.
- Cá bị bệnh từ giai đoạn 6 - 25cm, thường giai đoạn dễ cảm nhiễm từ 15 - 25 cm (0,1 - 0,5 kg/con).
b. Phòng bệnh
Tạt vôi nông nghiệp trong lồng và xung quanh vùng nuôi với liều lượng 5 – 7 kg/lồng. Dùng Erythromyxin trộn vào thức ăn từ 3 - 7 ngày, dùng 2 – 5 g/100 kg cá/ngày. Sang ngày thứ 2 trộn vào thức ăn 4 g/100 kg cá, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 giảm còn một nửa. Vitamin C liều dùng thường xuyên 2 - 3 g/1 kg cá /ngày, dùng liên tục trong 7 - 10 ngày.
c. Trị bệnh
Không có thuốc trị đặc hiệu cho bệnh này.
2. Bệnh viêm ruột
a. Dấu hiệu bệnh lý
- Xuất hiện các đốm đỏ lở loét trên thân, vây bụng.
- Vây xuất huyết rách nát, cụt dần.
- Mang xuất huyết dính bùn, hậu môn viêm đỏ.
- Ruột chứa đầy hơi và hoại tử, bệnh tích điển hình ruột trương to.
- Cá bị bệnh từ 1 - 2 tuần có thể chết với tỷ lệ 30 - 40%.
- Bệnh thường gặp ở giai đoạn cá giống.
b. Phòng bệnh
Tạt vôi nông nghiệp trong lồng và xung quanh vùng nuôi với liều lượng 5 - 7kg/lồng. Dùng 200 - 300g tỏi + 2kg lá chó đẻ/100kg cá trộn vào thức ăn cho ăn 2 - 3 ngày.
c. Trị bệnh
Dùng Oxytetracyline HCl trị các bệnh nhiễm khuẩn như: đốm đỏ, hậu môn sưng đỏ trên cá nước ngọt.
3. Bệnh trùng bánh xe
a. Dấu hiệu bệnh lý
Khi mới mắc bệnh, trên thân, vây cá có nhiều nhớt màu hơi trắng đục, ở dưới nước thấy rõ hơn so với khi bắt cá lên cạn. Da cá chuyển màu xám, cá cảm thấy ngứa ngáy, thường nổi từng đàn lên mặt nước. Một số con tách đàn bơi quanh bờ ao. Khi bệnh nặng trùng bám dày đặc ở vây, mang, phá huỷ các tơ mang khiến cá bị ngạt thở, những con bệnh nặng mang đầy nhớt và bạc trắng. Cá bơi lội mất phương hướng. Cuối cùng cá lật bụng mấy vòng, chìm xuống đáy ao và chết.
b. Phòng trị bệnh
- Dùng đồng Sunphat (CuSO4 ) té xuống ao 0,5 - 0,7 g/100 m3 nước.
- Dùng nước muối (NaCl): 2 - 3 g/1 lít nước tắm cho cá 5 - 15 phút.
4. Bệnh trùng mỏ neo
a. Dấu hiệu bệnh lý
Da, mang, vây của cá bệnh có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ, màu hơi trắng đục (đốm trắng), có thể thấy rõ bằng mắt thường. Da, mang cá có nhiều nhớt, màu sắc nhợt nhạt (người nuôi cá còn gọi là bệnh vẩy nhớt).
Cá bị bệnh nổi đầu trên tầng mặt, bơi lờ đờ yếu ớt. Lúc đầu cá tập trung gần bờ, nơi có cỏ rác, quẫy nhiều do ngứa ngáy. Trùng bám nhiều ở mang, phá hoại biểu mô mang làm cá ngạt thở. Khi cá yếu quá chỉ còn ngoi đầu lên để thở, đuôi bất động cắm xuống nước.
b. Phòng, trị bệnh
Dùng lá xoan bó thành từng bó, ngâm xuống ao với liều lượng 0,2 - 0,3 kg/1 m3 nước.
5. Bệnh rận cá
a. Tác nhân gây bệnh
- Trùng gây bệnh thuộc giống Argulus, màu trắng ngà, có hình dạng giống con rệp nên còn gọi là rận cá hoặc bọ cá, bọ vè. Cơ thể dẹp, rộng hình bầu dục, có màu sắc gần giống với màu sắc của ký chủ để dễ bảo vệ. Phía đầu có dạng hình lá, dính liền với đốt ngực thứ nhất tạo thành phần đầu ngực. Ngoài ra có 5 đôi phần phụ.
- Không qua ký chủ trung gian.
- Rận cá thường ký sinh ở vây, mang của cá, cào rách tổ chức da cá làm cho cá bị viêm loét tạo điều kiện cho các tác nhân khác xâm nhập. Rận cá dùng tuyến độc qua ống miệng tiết chất độc phá hoại ký chủ.
b. Dấu hiệu bệnh lý
- Cá ngứa ngáy, vận động mạnh, bơi cuồng dại, cường độ bắt mồi giảm.
- Nhìn thấy rận ký sinh trên cá bằng mắt thường.
c. Phòng bệnh, trị bệnh
- Dùng biện pháp phòng bệnh tổng hợp, phòng bệnh bằng cách lách vụ nuôi.
- Dùng thuốc tím tắm cho cá với liều lượng 10 g/m 3 trong 30 phút.
- Dùng Formalin nồng độ 20 - 25 ml/m3 nước, phun xuống ao.
Bắc Hà