00:00 Số lượt truy cập: 2982243

Phòng và trị bệnh phồng lá đào 

Được đăng : 17/04/2018
Nấm Taphrina deformans có mặt, gây hại cho tất cả các vùng trồng đào trên thế giời. Nếu không phòng trừ, nấm sẽ là một đối tượng nguy hiểm gây hại cho đào nectarin. Bệnh phồng lá đào là một loại bệnh mà cần phải sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ.

Triệu chứng bệnh thường xuất hiện sau khi nụ, mầm bung nở 1 tháng. Lá bị bệnh khô, dày, cong queo với những chỗ phồng rộp, màu hồng hoặc đỏ. Trên quả, bệnh xuấ hiện những vết đỏ nhạt và vết nứt. Lá và quả bị bệnh thường bị biến dạng. Ở cây còn ít tuổi, các chồi non rất mẫn cảm với bệnh. Nấm thường xâm nhiễm, gây bệnh trong khoảng nhiệt độ từ 10-21oC. Trong thời gian đào bắt đầu ra nụ, trời lạnh, ẩm, có sương là điều kiện thuận lợi cho nấm tấn công gây hại cho đào.

Sợi nấm mọc trong quả non, hay bề mặt lá, gây biến dạng các bộ phận bị bệnh. Túi bào tử hình trụ, kích thước 9 - 13 x 30 - 40 µm, trong chứa 4-8 bào tử túi. Bào tử túi đơn bào, hình tròn hay hình trụ, không màu kích thước 4 - 5 x 5 - 7 µm.

Nấm được phát hiện ở Lào Cai, gây hại trên lá và quả đào. Nấm thường phát sinh gây hại trên các giống đào nhập nội, đặc biệt các giống có nguồn gốc từ châu Âu. Bệnh phát triển nặng trên giống đào Pháp chín sớm DD2 ở Sa Pa, Lào Cai. Nấm phát sinh gây hại cho đào từ lúc cây ra lộc xuân. Nấm gây hại nặng cho đào trong tháng 2 tới tháng 4 và giảm dần trong các tháng mùa hè.

Tuy nhiên, mức độ gây hại của bệnh ở các vùng tiểu khí hậu khác nhau thì khác nhau. Tại vườn đào ở Ô Quý Hồ của thị trấn Sa Pa, 100% các cây đào giống DD2 bị bệnh phồng lá hại rất nặng, trong khi đó các giống đào địa phương Vân Nam chín sớm và Vân Nam chín muộn không bị bệnh phồng lá tấn công. Ở tiểu khu 2 của thị trấn Sa Pa, nấm gây hại trên giống đào DD2, nhưng tỷ lệ bệnh rất thấp, do vị trí của vườn thoáng hơn và ở độ cao thấp hơn so với Ô Quý Hồ. Ngoài giống đào DD2, bệnh phồng lá cũng gây hại trên một số giống đào nhập nội đang được trồng khảo nghiệm ở Sa Pa.

Phòng trừ

Dùng các thuốc trừ nấm chứa đồng và các thuốc Propiconazon, Clorothalonil để phun cho cây theo khuyến cáo. Phun thuốc trừ nấm trong mùa thu khi 90% lá đã rụng và phun thuốc trước hay sau 1 tuần khi chồi nở. Nếu năm trước vườn đã bị nhiễm bệnh, thuốc trừ bệnh cần được phun trên các cây đã bị nhiễm bệnh phồng lá, từ mức trung bình đến nặng trong năm trước, khi thấy bệnh đã được khống chế trong vườn thì trở lại phun như bình thường, chú ý không áp dụng cách phun này thường xuyên trong vườn. Cần thay các loại thuốc trong các lần phun, để hạn chế sự hình thành khả năng kháng thuốc của nấm. Trong mùa đông phun oxyt chlorua đồng, để tiêu diệt hạn chế nguồn bệnh lan truyền hại trên cây vào vụ xuân.

Nếu bệnh phồng lá đang gây hại nghiêm trọng trên cây, cần duy trì cho cây khỏe mạnh. Tỉa bớt quả so với bình thường, tưới nước đầy đủ và bón thêm phân đạm, để hạn chế tác hại của bệnh.

Đốn tỉa, cắt bỏ các cành, lá, quả bị bệnh./.

BBT