00:00 Số lượt truy cập: 2989088

PHÚ BÌNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHONG TRÀO NÔNG DÂN THI ĐUA SẢN XUẤT KINH DOANH GIỎI 

Được đăng : 23/11/2020

 

Hội Nông dân huyện Phú Bình

 

Huyện Phú Bình nằm ở phía nam tỉnh Thái Nguyên, có tổng diện tích đất tự nhiên là 251,71km2. Trong đó diện tích đất canh tác là 14.108 ha, đất đồi rừng là 6.202 ha, đất nuôi trồng thủy sản là 500ha. Huyện có 19 xã, 01 thị trấn với 305 xóm, tổ dân phố. Hội Nông dân huyện có 20 cơ sở Hội, 305 Chi hội có 23.251 hội viên sinh hoạt.

Phong trào “ Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” là một trong ba phong trào thi đua do Trung ương Hội Nông dân Việt nam phát động. Trong 3 năm thực hiện phong trào các cấp Hội Nông dân huyện luôn nhận được sự  quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, hội viên Hội Nông dân trong toàn huyện. Phong trào nông dân SXKD giỏi đã thực sự trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, thiết thực có sức lan tỏa và phát triển trên nhiều lĩnh vực, đã lôi cuốn, cổ vũ hội viên, nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Phong trào đã có những tác động tích cực trên mọi mặt của đời sống hội viên, nông dân, đã góp phần đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh cũng như của địa phương theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho một bộ phận lao động nông thôn. Phong trào đã tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu, chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đã có nhiều hộ gia đình mạnh dạn mở rộng đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và từng bước nâng cao giá trị của sản phẩm.

Để thúc đẩy phong trào Sản xuất kinh doanh giỏi có hiệu quả, hàng năm Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhất là các chính sách có liên  quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuyên truyền kết quả của phong trào, gương tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu trong phong trào đến các cấp, các ngành, cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ cho trên 55.000 lượt nông dân. Nhận ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn huyện, Quỹ hỗ trợ Nông dân cho hội viên với tổng số vốn trên 1,300 tỷ đồng cho trên 18.000 lượt hội viên vay để phát triển sản xuất. Cung ứng trên 200 tấn phân bón, 157 tấn giống cây trồng các loại cho hội viên đầu tư sản xuất. Xây dựng 14 dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ Nông dân các cấp cho hội viên thực hiện. Phối hợp dạy nghề cho 746 lao động nông thôn. Duy trì hoạt động có hiệu quả của 46 mô hình dịch vụ , tư vấn hỗ trợ nông dân ở cơ sở. Đồng thời các cấp Hội đã tập trung hướng dẫn phong trào phát triển mạnh theo hướng liên kết, hợp tác. Thúc đẩy hình thành và nhân rộng các mô hình liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn phong trào với thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Đến nay toàn huyện có 35 mô hình kinh tế tập thể họat động thường xuyên có hiệu quả  các mô hình này liên kết chặt chẽ với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện Quyết định số 490 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020. Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cơ sở Hội chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp, nghiên cứu, phát huy thế mạnh của từng vùng lựa chọn để sản suất sản phẩm phù hợp với địa phương.  Hội Nông dân huyện đã phối hợp với trung tâm hợp tác quốc tế Đại học Thái Nguyên, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức hội thảo liên kết 4 nhà chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất chế biến và kinh doanh một số sản phẩm nông sản của huyện.Phối hợp với sở Khoa học và công nghệ tỉnh Thái nguyên tổ chức hội thảo về Luật sở hữu trí tuệ tập huấn công tác quản lý khoa học công nghệ cơ sở cho hội viên. Tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh như Tương nếp Úc Kỳ, Gạo Nếp Thầu Dầu, Gà đồi Phú Bình, đồ gỗ mỹ nghệ…Phong trào đã  phát huy nội lực, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, góp phần  thúc đẩy sản xuất phát triển,  bước đầu hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: Trồng dưa chuột xuất khẩu, trồng ớt, trồng hoa, cây giống ăn quả, chăn nuôi gà thả đồi, ...... góp phần  thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Các mô hình sản xuất, chế biến phát triển theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường như mô hình sản xuất rau sạch áp dụng tiêu chuẩn VIETGAP, mô hình sản xuất lúa theo kỹ thuật SRI, mô hình chăn nuôi gà thả đồi theo tiêu chuẩn gà an toàn sinh học. Từ đó đã tạo ra sản phẩm chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường tạo độ tin cậy cho người sử dụng. Có nhiều sản phẩm được thị trường chấp nhận và được cung cấp thường xuyên với số lượng lớn ra thị trường trong nước như Tương Úc Kỳ, gà đồi Phú Bình, riêng đối với sản phẩm Ớt được cung cấp ra thị trường Trung Quốc và Lào.

Đã có nhiều hộ có mô hình cho thu nhập cao (trên 200 triệu đồng/khẩu/năm). Điển hình mô hình như mô hình ấp nở gia cầm của hộ ông Nguyễn Văn Đường, TT Hương Sơn cho thu nhập mỗi năm trừ chi phí có lãi từ 2 - 3 tỷ đồng tạo việc làm cho từ 10- 12 lao động mỗi năm. Mô hình chế biến gỗ của hộ ông Đặng Văn Hồng, xã Tân Khánh  thu nhập hàng năm  trừ chi phí có lãi từ 800 – 1 tỷ đồng tạo việc làm thường xuyên cho  20 - 25 lao động với mức thu nhập từ  5 - 6 triệu đồng/người/tháng...

Phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã được đông đảo hội viên tham gia số hội viên đăng ký và đạt tiêu chuẩn hàng năm tăng lên, trở thành động lực quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và làm thay đổi bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện. Năm 2017 có 12.711 hộ đăng ký đến năm 2019 có 15.000 hộ đăng ký phấn đấu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Kết quả bình xét giai đoạn 2017 – 2019 có 20.835 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2018 toàn huyện còn 3.369 hộ chiếm 6,73%.

Có thể nói phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, chất lượng đời sống hội viên và nhân dân được nâng . Thông qua phong trào đã thu hút, tập hợp đông đảo nông dân tham gia sinh hoạt Hội năm 2017 có 22.580 hội viên đến tháng 10/2019 có  23.270 hội viên sinh hoạt  đạt trên 87,69% so với hộ nông nghiệp. Chất lượng sinh hoạt của các Chi hội cũng được nâng lên rõ rệt thể hiện qua kết quả bình xét hàng năm 100% các cơ sở Hội đều đạt vững mạnh trong đó có 70 % đạt xuất sắc. Cán bộ, hội viên nông dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, Hội Nông dân đã phát huy tốt vai trò tham mưu với cấp ủy, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. 

Văn Khôi