Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc, có tổng diện tích tự nhiên 3.532km2, dân số trên 1,4 triệu người; với 13 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 1 thị xã và 11 huyện), 225 xã, phường, thị trấn (trong đó có 197 xã, với 31 xã đặc biệt khó khăn, an toàn khu). Khi mới triển khai thực hiện Chương trình, xuất phát điểm của tỉnh còn khá thấp (năm 2011 bình quân tiêu chí đạt 6,5 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 51/247 xã đạt dưới 5 tiêu chí; chỉ có 26/247 xã đạt tiêu chí về thu nhập, 36/247 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo).
Đến đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 95 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 48,5% tổng số xã, đạt 166,7% kế hoạch; có 4 huyện Lâm Thao, Thanh Thủy; thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 15,7 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí.
Triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tỉnh Phú Thọ đã xác định mục tiêu đến năm 2025: toàn tỉnh có 7/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (tăng 3 đơn vị cấp huyện so với năm 2020, chiếm 53,8% số huyện); có 139/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 44 xã so với năm 2020, chiếm 70,9% tổng số xã, trong đó có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu); không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; bình quân tiêu chí đạt 17,8 tiêu chí/xã.
Để đạt được mục tiêu trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ tỉnh Phú Thọ đã chủ động ban hành đồng bộ, kịp thời hệ thống văn bản triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo phù hợp theo các quy định của Trung ương và điều kiện thực tế tại địa phương. Các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện đã xác định rõ quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, như:
Thứ nhất, xác định xây dựng nông thôn mới trước hết phải từng bước nâng cao đời sống người dân, thông qua đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập;
Thứ hai, xác định người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, lấy nền tảng sức dân là cơ bản; phân định những phần việc cụ thể, việc nào dân làm, việc nào Nhà nước hỗ trợ; việc dễ, không cần nhiều kinh phí làm trước, tiêu chí khó làm sau để triển khai đồng bộ, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân;
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp; huy động đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư thực hiện chương trình; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự tham gia của cộng đồng người dân nông thôn; qua đó đã góp phần thực hiện các mục tiêu được giao theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình đã đạt những kết quả bước đầu quan trọng, cụ thể: Toàn tỉnh có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 57% mục tiêu; 3 huyện Tam Nông, Thanh Ba và Phù Ninh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 2 huyện Thanh Ba và Tam Nông đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định, trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (dự kiến được công nhận năm 2023); Có 131/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 66,8% tổng số xã (đạt 94,2% mục tiêu); trong đó có 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 30,8% mục tiêu), có 20 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, chiếm 10,2%; có 39 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, chiếm 19,9%, không có xã đạt dưới 9 tiêu chí. Bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 16,8 tiêu chí/xã, đạt 94,4% mục tiêu; có 1.561/2.040 khu dân cư nông thôn mới, chiếm 76,5%, trong đó có 52 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã được quan tâm đầu tư, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc ngày càng khang trang, sạch đẹp, an toàn, văn minh; kinh tế nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước được củng cố vững chắc...
Bên cạnh kết quả đạt được, trong triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh Phú Thọ gặp khó khăn, hạn chế do bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; dịch covid-19 diễn biến phức tạp, do đó đã hạn chế nguồn lực đầu tư của nhà nước, khả năng đóng góp của nhân dân để thực hiện Chương trình. Mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn mới được nâng cao về chất lượng, nhiều nội dung mới được bổ sung hướng tới “chiều sâu”, cần nhiều nguồn lực đầu tư, trong khi các xã còn lại chưa đạt chuẩn có nhiều xã là các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, có điều kiện kinh tế khó khăn. Việc triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình của Chính phủ, các bộ, ngành còn chậm, nhiều văn bản hướng dẫn khó thực hiện ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện các nội dung Chương trình tại địa phương; Một số tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới các cấp còn ở mức cao, chưa phù hợp, khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, như: tiêu chí về tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt từ công trình cấp nước tập trung; tiêu chí về tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe, có sổ khám chữa bệnh điện tử...
Nhằm khắc phục những hạn chế khó khăn, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đã đề ra; trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ xác định tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt phong trào “Phú Thọ cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để hỗ trợ thực hiện các nội dung của Chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của các Chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác trên địa bàn để hỗ trợ hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới; thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục tăng cường vận động các tổ chức kinh tế xã hội, người dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.
Tuấn Anh