00:00 Số lượt truy cập: 2940887

Phú Yên: Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững 

Được đăng : 28/11/2023

 

phung-ha-222222222
Mô hình nuôi dê giúp nhiều gia đình tại huyện Sông Hinh thoát nghèo.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Yên đặt ra mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh qua rà soát (gồm hộ nghèo và cận nghèo) là 12,12%, khoảng 31.882 hộ. trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 4,1%, với 10.781 hộ (giảm 0,87% so với đầu kỳ, đạt 100% kế hoạch giảm nghèo tỉnh năm 2022); tỷ lệ hộ cận nghèo là 8,02%, với 21.101 hộ. Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Chỉ tiêu giảm nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2023, phấn đấu giảm 2.249 hộ nghèo (tương ứng giảm tỷ lệ 0,85% theo Nghị quyết số 59/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh).

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, giúp người dân có cơ hội thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững tạo việc làm thường xuyên, các địa phương trong tỉnh còn chú trọng đào tạo nghề, tư vấn việc làm, cải thiện dinh dưỡng, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo..., giúp các đối tượng này vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Phú Yên còn quan tâm chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đã ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác Ngân hàng chính sách xã hội tăng cường nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tạo điều kiện để chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh và các huyện, thị xã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp cho trên 84 nghìn hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 74 nghìn lao động, giúp hơn 54 nghìn lượt hộ vùng khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, hơn 65 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 240 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 3.443 căn nhà ở cho hộ nghèo và hộ gia đình chính sách, 392 căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung và 538 căn nhà ở xã hội cho khách hàng có thu nhập thấp…

 

Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2023,, chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Phú Yên đang cho vay hơn 89 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với tổng dư nợ đạt 3.968 tỷ đồng, chiếm hơn 34% tổng số hộ toàn tỉnh, góp phần hỗ trợ tỉnh thực hiện mục tiêu theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh Phú Yên phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo và giảm 1/3 hộ cận nghèo so với đầu kỳ (giai đoạn 2022 - 2025); phấn đấu 50% hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định, bền vững. Tín dụng chính sách cũng đã làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011 - 2015 từ 19,46% xuống 9,73%. Giai đoạn 2016 - 2021 từ 12,62% xuống 2,17% và giảm 0,87% trong năm 2022.

Cùng với nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách khác, nguồn vốn ưu đãi cho vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 đã đem lại hiệu quả rất thiết thực. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn Phú Yên đã được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, để mở rộng quy mô phát triển nhiều loại hình kinh tế, giúp thu nhập ổn định, từ đó xóa đói giảm nghèo bền vững…Bên cạnh việc xóa đói giảm nghèo, nguồn vốn ưu đãi còn giúp nhiều hộ gia đình vùng núi Phú Yên ổn định nơi ở. Đến nay, tại Phú Yên nguồn vốn này đã giúp 437 hộ có nhà ở ổn định, 714 hộ vay vốn sản xuất kinh doanh chuyển đổi nghề, phát triển kinh tế và 7 hộ vay vốn cải tạo đất sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống… Đến nay, từ nguồn vốn ưu đãi này, nhiều hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Phú Yên đã có cơ hội thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên thì tỉnh đang tập trung hỗ trợ công tác giảm nghèo thông qua việc tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững. Từ đó, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.

Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo và giảm 1/3 hộ cận nghèo so với năm 2022; 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất; 50% hộ nghèo, cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững. Phú Yên phấn đấu xây dựng, nhân rộng trên 100 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp./.

Phùng Hà