Năm 2022 nông dân trên địa bàn huyện Duy Xuyên canh tác 14.225ha cây trồng hàng năm, trong đó cây lương thực có hạt 8.002ha.
Năm 2023, ngành nông nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục đối diện với những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, dịch bệnh. Vì vậy, huyện Duy Xuyên đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung thực hiện đồng bộ và linh hoạt các giải pháp, đảm bảo sản xuất mang lại thắng lợi, trước mắt là vụ đông xuân 2022 - 2023.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2022 tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của Duy Xuyên vẫn đạt 1.596 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 1,1%. Theo kế hoạch đề ra, vụ đông xuân 2022 - 2023 sắp tới, huyện triển khai canh tác 3.537ha lúa.
Trong đó, cơ cấu nhóm giống chủ lực 60% diện tích, gồm: Bắc Thịnh, HT1, Thiên ưu 8, TBR225, Hà Phát 3, ĐT 100; nhóm giống bổ sung khoảng 30% diện tích, gồm: KD18, ĐV108, PC6, HN6, Hương Châu 6, BC15, VNR20; nhóm giống triển vọng khoảng 10% diện tích, gồm: TBR97, ML232, ĐH12, VNR10, DCG66, BG6.
Theo ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương của huyện đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai sản xuất các loại cây trồng chủ lực, bố trí trên đồng ruộng các giống lúa trung - ngắn ngày theo cơ cấu giống và lịch thời vụ do Sở NN&PTNT hướng dẫn.
Đồng thời thực hiện triệt để quy trình tưới tiết kiệm nhằm đảm bảo nguồn nước cung ứng cho vụ hè thu 2023 và lách tránh các hình thái thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng các loại cây trồng.
Cùng với đó, tiếp tục duy trì diện tích sản xuất lúa giống hàng hóa theo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các chân đất lúa canh tác kém hiệu quả nhằm giúp nhà nông nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Đặc biệt, các cấp, ngành của huyện sẽ thường xuyên theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Hiện nay, toàn huyện Duy Xuyên có 59.260 con gia súc (tăng 8,65% so với cùng kỳ năm trước) và 692.000 con gia cầm các loại. Thời gian qua, nhiều hộ dân tập trung chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại nên sản lượng thịt hơi xuất bán ra thị trường ngày càng tăng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn do dịch bệnh xảy ra, gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi.
Trong đó, đáng chú ý là dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò. Vấn đề địa phương quan tâm nhất là thời gian tới phải tập trung đẩy mạnh công tác tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn vật nuôi, đảm bảo ngưỡng an toàn dịch bệnh.
Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay bệnh viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi đã khiến 156 con trâu, bò, heo ở nhiều nơi của huyện bị mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 18,2 tấn hơi.
Cũng trong năm 2022 người dân Duy Xuyên thả nuôi 131ha tôm nước lợ. Do đầu năm nay mưa lạnh kéo dài, nguồn nước bị ô nhiễm, chất lượng tôm giống thiếu ổn định nên dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra ở nhiều địa phương. Từ đó, dẫn đến tổng sản lượng tôm thu hoạch chỉ đạt 465 tấn, giảm 10,6% so với năm trước... Do đó, chính quyền địa phương khuyến khích các hộ dân đầu tư mô hình chăn nuôi công nghệ cao và có giải pháp thích hợp, phát huy hiệu quả ao nuôi. Mặt khác, vận động ngư dân vươn khơi bám biển và đánh bắt thắng lợi vụ cá Nam năm nay.
Trong năm 2023, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi tôm vùng triều quy trình xử lý ao nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường, xuống giống đúng lịch thời vụ. Đồng thời, tập trung hỗ trợ người dân ứng dụng các gói kỹ thuật nuôi trồng thủy sản tiên tiến, khuyến cáo lựa chọn nguồn giống đảm bảo chất lượng nhằm phòng ngừa, hạn chế dịch bệnh bùng phát.
Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích các hộ dân đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao và có giải pháp thích hợp, phát huy hiệu quả ao nuôi. Mặt khác, vận động ngư dân vươn khơi bám biển và đánh bắt thắng lợi vụ cá Nam năm nay.
Trên lĩnh vực lâm nghiệp, Duy Xuyên chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Thực hiện hiệu quả việc tái trồng rừng trên những diện tích đã khai thác. Cạnh đó, tích cực kiểm tra, rà soát và xử lý đúng pháp luật đối với tình trạng xâm lấn rừng, đất rừng trên địa bàn huyện và khu vực giáp ranh.
Trần Hậu - Phi Thành