00:00 Số lượt truy cập: 2940886

Quy trình nuôi giun quế làm thức ăn cho gia cầm 

Được đăng : 01/12/2023
Giun quế là vật nuôi có chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là trong thịt giun có chứa nhiều đạm (protein) là chất dinh dưỡng cần thiết cho gà. Nếu nuôi đủ nguồn giun quế cho gà thì ta có thể không cần mua cám đậm đặc cho gà mà chỉ cần bổ sung giun quế vào khẩu phần ăn hàng ngày cùng với ngô, cám gạo và các chất khoáng khác. Giun quế rất dễ nuôi, bà con có thể tận dụng phân lợn, trâu, bò đã hoai mục để làm thức ăn cho giun quế.

images123456
Giun quế là thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho gia cầm

 1. Chuồng nuôi

Để nuôi giun quế bà con có thể tận dụng nuôi trong khay, chậu, thùng sốp, tận dụng các chuồng trại cũ như chuồng trâu, chuồng bò...để tạo các lồng nuôi giun. Đảm bảo chuồng có mái che để giun không bị mưa, trên mặt luồng giun được phủ rơm rạ hoặc bao tải để tối. Vì giun không ưa ánh sáng. Và chuồng nuôi phải thoát được nước để khi tưới nhiều nước quá có thể chảy thoát đi nếu không giun sẽ bị ngập úng nước mà chết.

Nuôi giun trong khay, chậu.

 Áp dụng cho những hộ gia đình không có đất sản xuất hoặc muốn tận dụng tối đa các diện tích trống có thể sử dụng được. Mô hình này có thể sử dụng các dụng cụ đơn giản và rẻ tiền như các thùng gỗ, thau chậu, thùng xô… Các thùng gỗ chỉ nên có kích thước vừa phải (vào khoảng 0,2 – 0,4 m2 với chiều cao khoảng 0,3 m). Các dụng cụ này nên được đặt trên những cái khung nhiều tầng để dễ chăm sóc và tận dụng được không gian. Các dụng cụ nuôi nên được che mưa gió, đặt ở nơi có ánh sáng hạn chế càng tốt. Chúng phải được đục lỗ thoát nước, những lỗ này cần được chặn lại bằng  bông gòn, lưới… để không bị thất thoát con giống. Mô hình nuôi này có ưu điểm là dễ thực hiện, có thể sử dụng lao động phụ trong gia đình hoặc tận dụng thời gian rảnh rỗi. Công tác chăm sóc cũng thuận tiện vì dễ quan sát và gọn nhẹ. Tuy nhiên, nó có nhược điểm là tốn nhiều thời gian hơn các mô hình khác, số lượng sản phẩm có giới hạn, việc chăm sóc chogiun Quế phải được chú ý cẩn thận hơn.

Nuôi trong vườn rộng có mái che

Thích hợp cho quy mô gia đình vừa phải hoặc mở rộng, thích hợp cho những vườn cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm có bóng râm vừa phải. Các luống nuôi có thể là ô đào sâu trong đất hoặc làm bằng các vật liệu nhẹ như bạt không thấm nước, gỗ…, có bề ngang từ 1 – 2 m, độ sâu (hoặc cao) khoảng 30 – 40 cm, bảo đảm thoát được nước và thông thoáng. Mái che nên làm ở dạng cơ động để dễ di chuyển, thay đổi trong những thời tiết khác nhau. Độ dày chất nền ban đầu và thức ăn nên được bổ sung hàng tuần. Luống nuôi cần được che phủ để giữ ẩm, kích thích hoạt động của giun Quế và chống các thiên địch

 Nuôi trong luống xây hoặc xếp gạch

Bà con có thể tận dụng các chuồng lợn, chuồng trâu bò không sử dụng mà có mái che mưa nắng bên trên hoặc làm chuồng mới đơn giản có mái che. Làm các luồng nuôi bằng cách xếp gạch hoặc xây luốn với chiều cao khoảng 30 – 40cm, chiều rộng khòng 1-1,2m, chiều dài 2-3 m tùy theo diện tích. Miễn là thuận tiện cho việc chăm sóc.

2. Giun giống:

Giun giống được mua là giun sinh khối, tức là giun có lẫn trong thức ăn của nó là phân trâu bò:

Sau khi làm xong luống giun, ta cho phần thức ăn cho giun là phân trâu, bò, lợn đã hoai mục vào luống, thức ăn cho vào ban đầu dày khoảng 10 – 15 cm. Sau đó tưới ẩm luồng giun. Để kiểm tra xem độ ẩm đã đủ hay chưa ta có thể dung tay nắm lấy phần thức ăn đã tưới ẩm trong luống, khẽ nắm các ngón tay lại nếu thấy nước rỉ ra qua kẽ tay là độ ẩm vừa đủ. Khi chuẩn bị đấy đủ thức ăn, ta bắt đầu thả giun giống.

Thả giống giun thường vào buổi sáng. Khi chuẩn bị ô chuồng xong thì thả giun giống bằng cách rải sinh khối vào theo một đường thẳng giữa ô luống đó hoặc rải giun giống thành từng đám giữa mặt luống. Khoảng 5 – 7 phút sau, giun sẽ chui hết xuống lớp sâu. Quan sát mặt luống, loại bỏ những con giun ngọ nguậy tại chỗ, không có khả năng di chuyển xuống lớp đất sâu. Đó là những mẩu giun bị thương trong quá trình gom giống, chuyên chở giống. Sau khi nhặt bỏ hết giun bị thương, dùng doa tưới cây, tưới ẩm nhẹ lên luống nuôi là xong. Hàng ngày phải tưới ẩm mặt luống. 

Mật độ thả quyết định năng suất thu hoạch. Mật độ thích hợp khoảng 9 - 12 kg sinh khối / m2 tương đương 1,5 - 2 kg giun tinh / m2 (giun xoăn khoảng 7000-10 000 con / m2, mới đảm bảo được sau 30 ngày cho 1 lần thu hoạch.

 3. Thức ăn

Bà con có thể dung phân trâu, bò, lợn tươi để bón vào luống cho giun ăn, nhưng lưu ý không lấy phần phân có lẫn nước tiểu của trâu, bó, lợn vì giun có thể bị sót mà chết. Ngoài ra, thức ăn chính có thể sử dụng là phân trâu bò đã để khô, mục từ lâu.            

Ngoài phân tươi của trâu, bò là có thể cho giun ăn trực tiếp, ta có thể ngâm phân tươi đó với phân chuồng đã ủ hoại làm thức ăn cho giun bằng các hỗn hợp sau:

- 50 kg cỏ khô hay rơm rạ, thân đậu, bã mía, mạt cưa, giấy vụn, ...

- 30 kg phân gia súc (trâu, bò, heo, ... )

- 20 kg thực vật tươi (rau, cỏ, vỏ chuối, ...)

Tổng cộng được 1000 kg vật chất thô, ở giữa hố ủ cắm một thanh tre hay khúc gỗ dài từ đáy hố nhô lên khỏi mặt hố. Mỗi ngày tưới nước vừa, khi tưới lắc thanh tre, nhằm mục đích cho nước ngấm đều hố ủ. Sau thời gian tối thiểu 3 tuần thì phân hoai. Riêng rơm đã mủn sẵn thì thời gian ủ sẽ ngắn hơn.

 Giun thường có tập tính sống trong môi trường tối. Hễ gặp ánh sáng là giun rút sâu xuống dưới mặt luống. Che phủ mặt luống là biện pháp tạo bóng tối cho giun lên mặt luống ăn thức ăn và giao phối sinh sản cả ngày lẫn đêm. Tấm che phủ còn có tác dụng giữ độ ẩm luống nuôi. Sau khi thả giun giống, lấy bao tải cũ hoặc chiếu cói rách, bìa các tông, lá chuối, lá cọ …đậy tạo thoáng, tối lên bề mặt ô chuồng giun để cho giun nhanh chóng quen nơi ở mới

Ngày hanh khô nóng nên tưới mát cho giun, ngày mưa rét không cần tưới. Độ ẩm thích hợp luống nuôi là 70 %. Muốn kiểm tra độ ẩm thích hợp, lấy một nắm thức ăn hay chất nền bóp nhẹ, nếu ứa nước ở kẽ ngón tay là vừa. Nếu nước nhỏ giọt hoặc chảy thành dòng là quá ẩm. Khi quá ẩm điều chỉnh bằng cách giảm cho ăn đặc hơn.

Sau khi thả giun giống được 1 - 2 ngày thì nên cho giun ăn. Lượng thức ăn mỗi lần khoảng 5 cm trên mặt luống. Sau đó sẽ tiếp tục cho ăn khi thấy trên bề mặt luống đã xốp và không còn thức ăn cũ. Chú ý  không nên cho giun ăn khi lượng thức ăn cũ còn quá nhiều, vì lượng thức ăn bị tồn đọng phía dưới luống làm cho giun chỉ lo tập trung ăn và sống phía dưới luống mà không sống trên bề mặt. Điều này làm cho giun giảm khả năng sinh sản, năng suất nuôi giun sẽ bị giảm.

Các loại thức ăn của giun là phân tươi như phân trâu, bò, lợn, dê, thỏ, ngựa, hoặc thức ăn là rác thải hữu cơ đã hoai mục, được ủ theo các phương pháp nêu trên - Đều trộn lẫn và được ngâm vào bể có tưới nước sạch trong 1 – 2 ngày, thành dạng lỏng sền sệt, rồi mới múc vào cho giun ăn là tốt nhất. Cần lưu ý giun không chịu nước tiểu, vì vậy nếu phân có lẫn nước tiểu phải phun rửa sạch nước tiểu trước khi cho ăn. Phân trâu bò, phân lợn vón cục cần bóp vụn trước khi cho ăn.

Khi cho ăn, giở tấm phủ và múc thức ăn cho giun. Thức ăn rải trên mặt luống thành vệt dài hoặc từng đám mỏng cách đều nhau. Lượng thức ăn tùy thuộc vào sức tiêu thụ của từng luống cụ thể và tùy mùa. Vào mùa hè, cứ 2 - 3 ngày cho giun ăn 1 lần. Lượng thức ăn bón trên bề mặt luống dày từ 2- 3 cm. Đến mùa đông, lượng thức ăn bón nhiều hơn, dày khoảng 5 cm và bón phủ đầy luống giun. Thời gian cho ăn cũng thưa hơn mùa hè (3 – 4 ngày cho ăn 1 lần). Thức ăn phải bón thành từng ụ, hoặc theo từng dãy dài để khi nhiệt độ trong luống tăng cao hoặc trong thức ăn có chất gây sốc thì giun có khoảng trống chui lên thở. Sau khi bón xong, đậy tấm phủ lại và tưới ẩm.

Nhân luống:

Thời gian đầu luống còn ít kén và giun chưa thích nghi được môi trường mới, nên sau 2 tháng đầu thì số giống chúng ta mới được nhân đôi, những lần sau chỉ 1 tháng. Lúc này chúng ta có thể tách giun để nhân luống hoặc cho gia súc, gia cầm ăn. Trước khi nhân luống 2 ngày, ta cho giun ăn. Khi đó giun tập trung trên bề mặt luống, bốc lấy phần sinh khối phía trên của luống, thành những rãnh cách đều khoảng 20 cm rồi rải vào luống mới (cũng thành từng  rãnh 20 cm) và tiếp tục cho ăn vào những chỗ rãnh trống, cả trên luống cũ và mới, cho đến khi đầy luống.

Bảo vệ luống giun:

Hàng ngày theo dõi luống giun, nếu thấy kiến phải tiêu diệt ngay. Diệt kiến có thể dùng cách đơn giản là đốt những vệt kiến bò vào luống giun, nhớ khi đốt đậy tấm phủ giun lại, hoặc cho nước ngập hố giun và kiến nổi lên mặt nước, dùng rọi đốt kiến trên mặt nước, sau đó tháo nước ra. Ngoài ra có thể dùng thuốc diệt kiến quét trên vách chuồng.

Một điều cần lưu ý là luống giun phải được che chắn hoặc bao lưới xung quanh để tránh gà, cóc, ếch nhái, rắn mối hoặc chuột ăn giun. Ngoài ra thật chú ý với các loại thuốc trừ sâu, hoá chất như xà phòng, nước rửa chén, muối ăn, nước giải, tro bếp, đất bột,  ... rất độc hại đối với giun, giun sẽ lập tức chết khi tiếp xúc.

Giun cũng có thể bò đi khỏi thùng, hộp, chuồng nuôi hoặc bị chết khi gặp những điều kiện bất lợi của môi trường sống như: Nhiệt độ, độ ẩm, độ pH quá cao hoặc quá thấp (do không tưới ẩm đúng kĩ thuật hoặc nước tưới không đảm bảo), thùng đậy nắp hoặc phủ nilon quá kín, trời quá nắng, bị nước mưa tạt vào, tiếng ồn và tiếng động xung quanh quá  lớn v.v…

4. Thu nhặt giun cho cá, gà, vịt ăn

Bà con có thể dùng hót rác để xúc phấn giun lẫn với sinh khối đổ trải ra bao tải hoặc tấm bạt. Để phần giun và sinh khối ra ngoài ánh sáng. Một lúc sau giun sẽ chui xuống dưới, ta gạt hết phần sinh khối bên trên ra sẽ lấy được giun ở phía dưới cho gà ăn.

Lượng giun cho gà ăn mỗi ngày tùy theo nhu cầu ăn của gà nhưng không nên cho ăn nhiều quá vì khi ăn quá nhiều gà có thể bị các bệnh liên quan đến thừa đạm. Tính trung bình mỗi con gà ăn 2- 3 con giun 1 ngày là đủ.

 Phương Loan