00:00 Số lượt truy cập: 3040670

Quyết tâm giảm nghèo và vươn lên làm giàu từ mô hình trồng rừng của hội viên, nông dân tỉnh Quảng Ninh. 

Được đăng : 21/08/2023

 

20657872038927dlamtrongrungbanhuumanh0944522316155120

 Anh Bàn Hữu Mạnh (thôn Đèo Đọc, xã Đồng Lâm, TP Hạ Long) chăm sóc đồi cây quế mới trồng của gia đình

 

Tỉnh Quảng Ninh có 422.576,49 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 68,4% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, đứng thứ 18/63 tỉnh thành trong cả nước, tỷ lệ che phủ rừng đến nay đạt trên 55%; rừng gắn liền với nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, kỳ vỹ như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. di tích Yên Tử, khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn Kỳ Thượng cùng rất nhiều danh lam thắng cảnh đã được công nhận. Rừng không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ đầu nguồn, vùng ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm chiến lược an ninh nguồn nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất lâm, nông nghiệp, chính sách khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, dịch vụ sản xuất kinh doanh từ rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư để tạo nguồn thu nhập và sinh kế cho người dân.

Xác định kinh tế rừng là một trong những hướng đi giúp hội viên, nông dân giảm nghèo hiệu quả và vươn lên làm giàu. Trong những năm qua, các cấp HND tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 28/11/2019 của  Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 bằng nhiều hoạt động trọng tâm, trọng điểm.

Hội Nông dân các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tổ chức các hoạt động trao cây giống cho hội viên, nông dân, phối hợp với các đơn vị chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gỗ lớn, cây dược liệu bản địa cho bà con nông dân. Hằng năm, các cấp HND đăng ký xây dựng mô hình điểm cộng đồng để bà con nông dân được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu, cây trồng bản địa và bảo vệ rừng cây gỗ lớn. Mục tiêu trồng rừng của tỉnh Quảng Ninh đề ra trong năm 2023 là trồng 1 triệu cây phát tán và 11.640 ha rừng sản xuất trở lên, trong đó có ít nhất là 2.000 ha cây lim, giổi, lát. Thực hiện mục tiêu chung, năm 2023, các cấp HND tỉnh vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân phấn đấu trồng 196 ha rừng gỗ lớn, cây dược liệu và chăm sóc bảo vệ rừng. Từ đó, Hội tiếp tục phát động và đưa việc trồng, bảo vệ rừng, cây xanh trở thành phong trào thi đua rộng khắp, gắn với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phong trào xây dựng nông thôn mới và thực hiện chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh trên toàn tỉnh.

Anh Bàn Hữu Mạnh, hội viên nông dân ở thôn Đèo Đọc, xã Đồng Lâm, TP. Hạ Long chia sẻ: được chính quyền, nhất là Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, phân tích những lợi ích trồng cây lâu năm mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Nhận thấy trồng quế có giá trị cao gấp 4 đén 5 lần trồng keo, gia đình tôi đã chuyển dần sang trồng giống cây này, ưu điểm của nó là vừa tạo tán mà vẫn có thu nhập từ cành, vỏ và lá. Gia đình tôi có 7 ha trồng cây keo, sau một chu kỳ 5 đến 6 năm mới được thu hoạch một lứa khoảng 300 đến 400 triệu chưa trừ chi phí, thu nhập chẳng được là bao nhiêu, sau đó lại phải trồng lại từ đầu dẫn đến đất bạc màu nhanh và không giữ được độ ẩm cho rừng. Chuyển sang trồng cây quế, tuy chu kỳ khai thác có dài hơn, nhưng thu nhập cao hơn mà vẫn giữ được rừng, nên từ năm 2021, gia đình đã chuyển 4ha trồng cây keo sang trồng cây quế để nâng cao hiệu quả cũng như giá trị rừng trồng. Tôi thấy đây là một hướng đi đúng đắn của địa phương giúp cho bà con nông dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu góp phần cùng nhau xây dựng nông thôn mới. 

Bà Tằng Chíu Múi, hội viên nông dân ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên cho biết: Nhận thấy lợi ích từ trồng rừng gỗ lớn nên gia đình đã chuyển 2ha trồng cây keo sang trồng cây quế. Hiện rừng quế của gia đình tôi sinh trưởng, phát triển tốt, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 3 đến 4 tấn lá, cành, vỏ, thu nhập khoảng 200 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng cây keo giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng.

Đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, HND tỉnh đã phát huy rất hiệu quả nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiêp và phát triển Agribank, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt để hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế trồng rừng, cây bản địa, ươm cây giống, gắn với khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng. Hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân liên kết, phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp liên quan đến kinh tế rừng. HND tìm kiếm, giới thiệu, làm cầu nối để doanh nghiệp liên kết với nông dân trong cung ứng vật tư đầu vào, đầu ra theo chuỗi giá trị. Bằng những hành động cụ thể, thiết thực, đến nay, nhiều diện tích đất rừng đã được phủ xanh, môi trường sinh thái được cải thiện, giải quyết việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân.

Anh Lỷ Văn Chiến, hội viên nông dân ở thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ chia sẻ: với 50 triệu đồng được vay từ nguồn vốn hỗ trợ, gia đình tôi đã trồng được thêm 2ha cây quế, nâng tổng số diện tích quế hiện có của gia đình lên 12ha. Ngoài trồng cây quế, gia đình tôi còn trồng rất nhiều các loại cây dược liệu như ba kích, trà hoa vàng... Nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, tôi đã mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình. Thủ tục vay đơn giản, lãi suất thấp cho nên người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay. Tôi mong muốn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quan tâm để nhiều người dân được tiếp cận nguồn vốn vay này phát triển kinh tế.

Ông Triệu Quay Phúc hội viên nông dân ở thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ từ hộ nghèo đã vươn lên trở thành hộ SXKD giỏi cấp huyện, cấp tỉnh trong nhiều năm. Ông được giao 10ha đất rừng năm 2008, sau 5-7 năm trồng cây keo, ông mua thêm 20ha đất rừng của một số hộ lân cận để phát triển rừng trồng, nâng tổng số lên 30ha. Để có cây giống phục vụ sản xuất, ông đầu tư 2ha vườn ươm cây quế, trà hoa vàng và một số cây dược liệu cung cấp cho người dân trên địa bàn để cùng nhau phát triển, bình quân khoảng 50 vạn cây/năm.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang định hướng người nông dân phát triển kinh tế rừng bền vững, chuyển dần từ cây keo sang các loại cây vừa có giá trị kinh tế cao, vừa cải tạo đất, cải tạo rừng bền vững như: Quế, hồi, dổi, lim, đàn hương... và sẽ là hướng đi đúng cho người nông dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Thông qua việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ từ HND các cấp, bước đầu, những mô hình trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu bản địa đã và đang được các hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh triển khai, nhân rộng. Đây không chỉ là nguồn sinh kế bền vững cho các chủ rừng trong tương lai mà còn góp phần mở ra triển vọng sản xuất hàng hóa lâm sản có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

 

                                                                             Tiến Trình