00:00 Số lượt truy cập: 2989136

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam có mặt 180 nước trên thế giới 

Được đăng : 27/05/2020

nn-huu-co

Chăm sóc rau hữu cơ tại trang trại Hoa Viên (xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh: Thái Hiền.

Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là hệ thống sản xuất không sử dụng hoặc loại trừ các chất hoá học tổng hợp và vật liệu biến đổi gen trong các vật tư đầu vào, tạo điều kiện cho sự chuyển hoá khép kín vật chất trong hệ sinh thái nông nghiệp, chỉ được sử dụng các vật tư được quy định của tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ.

Việt Nam được Tổ chức các phong trào Nông nghiệp Hữu cơ trên thế giới (IFOAM) công nhận là nước có sản xuất NNHC.  Theo số liệu thống kê của IFOAM, năm 2015, Việt Nam là 76.666 ha NNHC, tương đương 0,7% diện tích đất NN, với 3.816 nông dân sản xuất hữu cơ. Năm 2020, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của nước ta đạt gần 240.000 ha, tăng gần gấp 5 lần so với năm 2016. Hiện đã có 46/63 tỉnh thành đang thực hiện phong trào sản suất hữu cơ.Các sản phẩm NNHC chủ yếu của Việt Nam là gạo, tôm, dừa, cà phê, cacao, sữa, chè, rau, quả, quế, hồi, tinh dầu....

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia..., là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới.

Là nước nông nghiệp, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển NNHC: khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều nên việc sản xuất ra các loại sinh khối phục vụ cho sản xuất NNHC có thể được thực hiện khá nhanh.Nguồn nguyên liệu chế biến phân bón như phân xanh, phân hữu cơ khá phong phú. Nước ta có nhiều vùng rừng núi tự nhiên, chủ yếu canh tác quảng canh, chưa bị ảnh hưởng của ô nhiễm hoá chất rất phù hợp cho nuôi ong, chăn nuôi và trồng trọt theo phương pháp hữu cơ. Nguồn lao động dồi dào và có nhiều kinh nghiệm, sáng tạo trong sản xuất NN. Nhận thức của người tiêu dùng trong nước về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ ngày càng cao. Hiện, công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất NN như sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh chức năng, các chế phẩm xử lý môi trường đất…

Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn như: như một bộ phận nông dân chưa mặn mà với loại hình này; quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ; giá trị vẫn chưa bền vững. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng. Khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho nhiều loài sâu bệnh phát triển và gây hại. Do năng suất không cao, công lao động nhiều nên giá thành sản phẩm từ NNHC thường cao gấp 2-4 lần bình thường, ngoài ra, trong nhiều trường hợp, sản phẩm có hình thức không đẹp, không bắt mắt. Phần lớn các hộ nông dân sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún nên khó khăn trong việc tập trung diện tích để cùng sản xuất hữu cơ. Nhận thức của người sản xuất về NNHC còn hạn chế, vì vậy, việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn NNHC là một thách thức lớn. Nhiều trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm diễn ra nhiều năm qua đã làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng…

Thời gian tới, để phát triển nông nghiệp hữu cơ cần tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực thi các chính sách, pháp luật đã được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển NNHC; Đào tạo tập huấn cho doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sản xuất hữu cơ, tăng cường công tác đào tạo chuyên gia chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ;Truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về NNHC; Xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường sản phẩm NNHC. Các địa phương cần xác định rõ vùng nào có thể sản xuất hữu cơ, vùng nào vẫn duy trì phương thức sản xuất phi hữu cơ. Về sản phẩm, cần phải xác định những sản phẩm nào sẽ là sản phẩm hữu cơ, sản phẩm nào đi theo hướng theo hữu cơ, sản phẩm nào vẫn duy trình canh tác truyền thống.

Đan Nguyên