Ông Phạm Văn Quất nhận giải thưởng tại Lễ trao giải Cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc" lần thứ 9 tại Hà Nội
Sau hơn 30 năm cật lực lao động, ông Phạm Văn Quất ở thôn Bằng Bộ, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đã biến khu ruộng trũng cấy lúa bấp bênh thành trang trại thủy sản trù phú nhất, nhì tỉnh Hải Dương.
Năm 1982 hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương, ông Quất vào làm công nhân tại trại cá Lê Hồng (Thanh Miện, Hải dương). Trong thời gian làm việc tại đây, ông đã học hỏi và đúc kết được một số kinh nghiệm quý báu trong sản xuất, phòng trừ dịch bệnh cho cá giống. Năm 1996, ông Quất xin nghỉ làm ở trại cá về nhà tự mình quyết chí làm giàu. Nhìn đồng đất mênh mông mà việc cấy lúa của nông dân hiệu quả không cao nên nhiều đêm ông trằn trọc suy nghĩ làm thế nào đó để gia đình mình cũng như bà con bớt đi vất vả mà thu nhập khá hơn. Với quyết chí làm giàu trên quê hương, ông bàn với gia đình nhận đấu thầu đất bãi trũng trồng lúa 1 vụ bấp bênh của xã để đào ao sản xuất cá giống. Ban đầu do chưa hiểu thổ nhưỡng, kinh nghiệm sản xuất cá giống chưa nhiều nên trong những năm đầu gặp rất nhiều khó khăn.
Với lòng quyết tâm, tinh thần không nản trước khó khăn, anh tích cực học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi cá giống có hiệu quả ở trong và ngoài tỉnh, tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân các cấp tổ chức. Việc sản xuất cá giống của ông đã dần được cải thiện và đạt được một số thành quả ban đầu, do vậy mà ông lại càng gắn bó với nghề hơn, đi sâu nghiên cứu ông đã có sáng tạo trong kỹ thuật lai giống và đã thành công nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi. Phương pháp lai tạo cá giống của ông là cứ mỗi năm lại được chọn lọc và nhập cá giống bố mẹ mới để lai tạo tránh hiện tượng đồng huyết, kết hợp với các trang thiết bị ấp nở giống hiện đại vì thế con giống khỏe mạnh, chất lượng cao.
Hiện nay, ông Quất đang sử dụng các phương pháp lai tạo ra cá chép. Phương pháp 1 là lai tạo cá chép đực Cộng hòa Séc lai với con cái giống chép Indonesia tạo ra con lai F1 nuôi thương phẩm. Phương pháp 2 là con đực giống chép Hungary lai với con cái giống chép Cộng hòa Séc tạo ra con lai F1, sau đó chọn con đực F1 lai với con cái giống chép Indonesia tạo ra con lai F2 có 3 máu, dùng con F2 này để nuôi thương phẩm. Hai phương pháp lai này có lợi ích là nhằm khai thác khả năng sinh sản, sức đề kháng bệnh tốt, tốc độ lớn nhanh, mẫu mã ngoại hình đẹp, chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng… từ đó tăng hiệu quả kinh tế trong nuôi cá chép.
Trang trại của gia đình ông là địa chỉ tin cậy cung ứng cá giống các loại cho thị trường cả nước. Hằng năm trang trại của gia đình ông sản xuất vài trăm triệu con cá bột cung cấp ra thị trường và phục vụ cho việc ương nuôi của trang trại. Mỗi năm, doanh thu từ sản xuất cá giống của anh đạt hàng trăm tỷ đồng.
Không chỉ tạo công ăn việc làm, ông Quất còn thường xuyên cung ứng giống dưới hình thức bán chịu cho nhiều hội viên nông dân trong và ngoài xã, đến khi thu hoạch mới lấy tiền mà không hề lấy lãi. Có nhiều hộ, ông đứng ra cung ứng giống sau đó lại bao tiêu sản phẩm vì thế tạo sự yên tâm cho người nuôi cá. Ông Quất cũng trực tiếp hướng dẫn, tư vấn, phổ biến kỹ thuật nuôi cá giống, cung cấp thông tin về thị trường cho nông dân nhằm hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế nuôi thủy sản cho hàng nghìn lượt nông dân. Với suy nghĩ liên kết sản xuất giúp các thành viên cùng nhau phát triển kinh tế, anh đã thành lập tổ liên kết ương cá giống gồm các thành viên trong xã. Các thành viên trong tổ liên kết đã cùng nhau nhập giống cá bột, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học… với giá cả phù hợp, cùng nhau trao đổi hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, liên kết đổi công và tiêu thụ cá giống
ông chia sẻ: Đạt được giải thưởng sáng tạo nhà nông lần thứ IX này là niềm vinh dự lớn đối với tôi. Đây cũng là nguồn động lực giúp tôi phấn đấu hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh và ngày càng có nhiều giải pháp sáng tạo hơn nữa, thiết thực hơn nữa để chung tay giúp đỡ hội viên, nông dân cùng nhau làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Tiến Trình