00:00 Số lượt truy cập: 2986667

Sáng chế, cải tiến nông cụ phục vụ nông dân sản xuất nong nghiệp theo hướng công nghiệp hóa 

Được đăng : 07/09/2020

ttxvnnhasangche1

Ông Nguyễn Văn Chế  kiểm tra đất sau khi lên luống do máy lên luống của ông canh tác.

Ông Nguyễn Văn Chế, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương  được sinh ra trong gia đình làm nông, hoàn cảnh khó khăn nên ông chỉ học hết lớp 7/10, sau đó ông phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Năm 1985, ông lập gia đình, tham gia làm ruộng tại Hợp tác xã nông nghiệp (xã Nam Trung, huyện Nam Sách). Qua thực tiễn trực tiếp lao động, sản xuất, ông nhận thấy nghề nông thật sự vất vả, cực nhọc, nhất là khi phải lao động thủ công, không có máy móc, công cụ hỗ trợ, năng suất lao động rất thấp.

Với mong muốn giúp nông dân giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ông  nuôi dưỡng ý chí và quyết tâm tìm hiểu nghề cơ khí, chế tạo máy móc, cải tiến nông cụ để phục vụ nông dân sản xuất. Sau nhiều đêm trăn trở, năm 1992 ông quyết định khởi nghiệp bằng việc mở xưởng cơ khí, tự mày mò vừa học vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Ban đầu ông mua máy hàn, trang bị lò rèn để chế tạo, sửa chữa cơ khí nhỏ. Từ năm 2004 đến nay, trải qua thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, ông đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại máy móc, nông cụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: máy rửa hành, tỏi, cà rốt; máy thái và sấy nông sản;máy sàng và phân loại nông sản; chế tạo thành công lưỡi cày lên luống làm đất trồng các loại rau, củ và nông cụ bừa lăn…

Huyện Nam Sách nói chung, xã Nam Trung nói riêng sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Diện tích sản xuất cây trồng vụ đông và vụ xuân hàng năm rất lớn. Trong đó, cây hành, tỏi là cây chủ lực của địa phương, chiếm khoảng 80% - 85% diện tích. Người nông dân rất vất vả từ khâu làm đất đến khi thu hoạch, đặc biệt càng vất vả, khó khăn hơn trong khâu sơ chế. Mọi công việc vẫn phải làm thủ công, năng suất lao động thấp. Do không sơ chế kịp thời nên sản phẩm hành, tỏi thường bị hỏng, chất lượng không đảm bảo ở thời điểm đó, trên thị trường chỉ có máy rửa nông sản do Trung Quốc sản xuất, bán với giá rất cao, lại có nhược điểm là rửa hành, tỏi không lột được vỏ. Trước yêu cầu của thực tiễn, ông đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy rửa nông sản, khắc phục được những nhược điểm trên. Công suất của máy đạt trung bình 20 tấn/ngày.

Có được kinh nghiệm từ việc chế tạo máy rửa nông sản, ông tiếp tục nghiên cứu, cải tiến máy thái nông sản và đã thành công. Máy thái nông sản do ông cải tiến đã tăng năng suất lên gấp hơn 5 lần so với các loại máy thông thường sẵn có trên thị trường; có thể thái được nhiều chủng loại nông sản như: bánh đa, bí xanh, cà rốt, su hào, gừng, riềng, nghệ…

Không dừng lại ở đó, nhằm góp phần giúp nông dân khắc phục tình trạng được mùa mất giá, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, ông đã tư duy, trăn trở, quyết tâm nghiên cứu để chế tạo bằng được máy sấy nông sản, dược liệu. Bắt tay vào làm, phải điều chỉnh, làm đi làm lại nhiều lần tưởng chừng như thất bại. Nhưng với sự quyết tâm cao, một lần nữa ông đã thành công. Sản phẩm máy sấy nông sản do ông chế tạo sử dụng lò than, quạt hút hơi nóng thổi vào nông sản để sấy với công suất đạt 14 tấn sản phẩm tươi thành khô chỉ trong 12 giờ, năng suất tăng gấp hơn 100 lần so với sấy thủ công. Máy đã được bán rộng rãi trên 40 tỉnh, thành trong cả nước, được người sử dụng tin dùng.

Hiểu được nỗi vất vả của người nông dân trong khâu làm đất, trồng cây rau màu, ông  đã thiết kế, cải tiến các lưỡi cày hiện có trên thị trường, chế tạo thành công lưỡi cày lên luống. Lưỡi cày do ông chế tạo được thiết kế theo hình chữ V, được tạo bởi 2 thanh lập là dài 50 cm hàn lại với nhau (phía bên trên) gắn chung vào một trục sắt. Sau đó lấy tấm sắt dày tôi luyện làm thành mặt lưỡi cày. Mặt lưỡi cày mỗi bên có kích thước rộng 18 cm, dài 40 cm được uốn hơi thoải, hàn vào mép trên hình chữ V, hàn mép giữa với nhau tạo thành hình giống mũi thuyền. Mép dưới cũng dùng thanh lập là 0,9 cm hàn lại với nhau theo hình thoải ra, sau khi tạo được mặt lưỡi cày, hàn cố định mặt trong lưỡi vào thanh lập là dày 0,8 cm tạo thành chiều đứng, khoan lỗ phía trên và khoảng giữa của thanh lập là này để bắt ốc gắn ngay vào trục ngang của dàn phay đất của máy cày. Sau khi đất được máy phay nhỏ, lưỡi cày lên luống vét thành luống ngay. Khi sử dụng lưỡi cày, bắt ốc vào trục ngang thanh giằng nên có thể điều chỉnh lưỡi cày nâng lên, hạ xuống tạo lên độ cao thấp của luống đất một cách dễ dàng. Khi không sử dụng có thể tháo lưỡi cày ra phục vụ công việc khác. Với sáng kiến này đã giảm chi phí công làm đất trồng cây rau màu từ 350 - 400 nghìn đồng/sào; giúp tăng năng suất làm đất gấp 20 lần so với vét luống thủ công và tạo ra các luống đất có kích thước đồng đều. Hiện tại, lưỡi cày lên luống của ông đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Cùng với việc chế tạo cày lên luống, ông đã chế tạo nông cụ bừa lăn. Nông cụ này được sử dụng ngay sau khi máy làm xong công đoạn cày lật đất (sau thu hoạch). Thực tiễn cho thấy, trong công đoạn bừa ruộng nếu chỉ sử dụng bánh lồng thì công suất bừa thấp, phải bừa đi bừa lại nhiều lần đất mới nhuyễn, các gốc rạ, thân lúa sau khi thu hoạch không được vùi lấp hết trong đất nên phân hủy rất lâu, ảnh hưởng lớn đến tốc độ sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Và công cụ bừa lăn do ông sáng chế đã khắc phục được triệt để những hạn chế trên. Với thông số kỹ thuật: chiều dài trục là 1,9 m, đường kính trục cộng với răng bừa là 45 cm, chiều cao răng bừa là 12 cm, khoảng cách giữa các răng bừa là 5 cm, các răng bừa được thiết kế so le nhau giúp bừa đất được đều, mặt ruộng phẳng, gốc và thân lúa sau khi thu hoạch được vùi sâu trong đất, nhanh hoai mục, giúp tăng độ phì nhiêu của đất và giảm thiểu tình trạng lúa bị nghẹt rễ. Sử dụng nông cụ bừa lăn, năng suất làm đất của máy tăng gấp 02 lần so với công suất ban đầu. Sản phẩm đã được các chủ máy làm đất ưa chuộng.

Hiện nay, xưởng cơ khí của gia đình tôi chuyên sản xuất theo đơn đặt hàng. Trung bình mỗi năm, tôi chế tạo và cung ứng ra thị trường hàng trăm máy thái, rửa, sấy nông sản, 95 bộ lưỡi cày vét luống, 83 nông cụ bừa lăn; tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng, lợi nhuận thu được khoảng 560 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tận tình hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho các hộ nông dân khác tại địa phương.

Để hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông đã hiến 10 m2 đất trị giá trên 150 triệu đồng và ủng hộ 5 triệu đồng tiền mặt để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình công cộng. Ngoài ra, ông luôn tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện, nhân đạo, ủng hộ kinh phí xây dựng Quỹ vì người nghèo, Quỹ khuyến học, Quỹ hội, Quỹ hỗ trợ nông dân và xây nhà tình nghĩa mỗi năm hàng chục triệu đồng; giúp đỡ 3 hộ nghèo về vốn, vật tư, cây, con giống và kỹ thuật sản xuất. Hiện nay cả 03 hộ đã thoát nghèo.

 Chu Hương