00:00 Số lượt truy cập: 2982095

Sâu hại cà phê và biện pháp phòng trừ 

Được đăng : 13/03/2023

repsaphaicaphe193203506

Rệp sáp hại quả cà phê làm giảm năng suất, chất lượng

 Xin giới thiệu một số loại sâu hại chủ yếu thường gặp trên cây cà phê chè và cây cà phê vối.

1. Sâu đục thân mình trắng

Gây hại chủ yếu trên cây cà phê chè. Sâu trưởng thành là một loài xén tóc dài từ 6 - 10mm đẻ trứng vào các kẽ nứt của vỏ cây. Sâu non có màu trắng dài từ 2 - 25mm đục vào phần gỗ làm chết cây cà phê. Vì thế gọi là sâu đục thân hoặc gọi là sâu bore. Trước đây, ở các đồn điền người ta thường trừ sâu đục thân bằng cách cưa cây bị sâu rồi chẻ ra đốt đi. Sau này, vào những năm 1960 các nông trường quốc doanh trồng cà phê ở miền Bắc đã được hướng dẫn trộn phân bò, đất sét với thuốc trừ sâu quét lên thân và các cành cây có phần đã hoá gỗ để diệt sâu đục thân khi chúng đẻ trứng vào đó. Cách làm này mang lại kết quả rõ rệt nhưng khi thực hiện khá vất vả.

Nay công thức pha chế hỗn hợp thuốc như sau:

Thuốc Supracid hay Sumithion: 1 - 2 phần.

Phân trâu bò tươi 5 phần.

Đất sét 10 phần.

Nước lã 15 phần.

Cũng có thể phun thuốc vào đợt sâu trưởng thành ra rộ để diệt sâu non. Dùng Supracid 40EC 0,25% + dầu diesel 0,5%, hoặc Diazinol 50EC 0,25% + dầu diesel 0,5%.

2. Rệp vảy xanh và rệp vảy nâu

Gây hại trên các lá non và chồi non, chích hút nhựa làm lá vàng và rụng quả. Kèm theo rệp là nấm muội đen và kiến. Kiến ăn chất mật ngọt do rệp tiết ra và giúp rệp phát tán. Vòng đời của loại rệp này ở Buôn Ma Thuột là 42 - 57 ngày. Cách phòng trừ trước hết là vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ, hạn chế sự phát triển của kiến. Không trồng các loại cây ký chủ của rệp trong vườn cà phê như sấu, ổi, cam, quýt, xoài.

Có thể dùng các loại thuốc sau ở nồng độ 0,2 - 0,3% như Bian 40EC, Bitox 40EC, Bi58 40EC, Subatox 75EC hay Ofatox 400EC.

3. Rệp sáp

Đây là loại sâu hại đã gây ra nhiều thiệt hại cho các vùng cà phê ở Tây Nguyên. Đã có năm, chúng phát triển thành dịch trên diện rộng phá hoại hàng trăm hecta. Rệp sáp có hình bầu dục, trên thân phủ một lớp sáp trắng xám, mịn. Chúng thường gây hại ở cuống quả, chùm hoa, phần non của cây và ở rễ cây gây thối quả, cháy lá và thối rễ.

Cũng như rệp vảy xanh và vảy nâu, rệp sáp cũng kéo theo muội đen và kiến.

Cách phòng trừ: Đối với các vườn đã bị hại nặng, trước khi phun thuốc phải cắt và đốt các cành bị hại nặng để diệt bớt nguồn rệp trên đồng ruộng. Có thể phun một trong các loại thuốc sau: Suprathion 40EC (0,2 - 0,3%) hay Supracid 40EC (0,2 - 0.3%), phun l - 2 lần cách nhau 7 - 10 ngày.

Với rệp sáp hại rễ cần kiểm tra phần cổ rễ ở dưới mặt đất cách mặt đất chừng 10cm để phát hiện sớm sự xuất hiện của rệp. Nếu thấy có rệp trên 100 con/gốc phải phun thuốc. Dùng một trong các loại thuốc sau: Bi58 40EC (0,3%), Subatox 75EC (0,3%), Ofatox 400EC (0,3%), Basudin 10g (30 g/gốc). Các thuốc nước nên pha với 1% dầu lửa. Tưới thuốc vào cổ rễ. Đào đất đến đâu xử lý thuốc đến đó và lấp đất lại. Với các cây bị nặng nên đào lên và đốt.

4. Mọt đục quả

Mọt trưởng thành đục một lỗ nhỏ ở núm quả chín để chui vào trong nhân, đục phôi nhũ tạo thành rãnh nhỏ để đẻ trứng, sâu non nở ra ăn phôi nhũ hạt. Mọt trưởng thành là bọ cánh cứng nhỏ màu nâu hoặc đen, dài từ 2,5 - 4mm. Nó thích sống trong các quả chín, nhất là trong các quả khô. Mọt phá hoại quả và nhân khô trong kho khi có độ ẩm cao trên 13%.

Biện pháp phòng trừ tốt nhất là nhặt sạch các quả khô, quả chín còn sót lại trên cây và dưới đất sau khi thu hoạch để diệt nguồn gốc sâu trên đồng ruộng. Bảo quản hạt ở độ ẩm dưới 13%.

Có thể phun thuốc Basudin 40EC (0,2 - 0,3%) hay Supracid (0,15%), Thiodan (0,25%), phun vào giai đoạn quả xanh chuyển sang chín, phun 2 lần cách nhau 3 - 4 tuần.

 

Phạm Nghiêu