00:00 Số lượt truy cập: 3040036

Sơn La: Trồng xoài trên núi đá, từng bước chinh phục thị trường “khó tính” 

Được đăng : 04/10/2022
Nắm bắt xu thế của thị trường, nhiều hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện Mai Sơn, Yên Châu, Mường La… đã đầu tư, nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ mang lại thu nhập cao, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM).

anh-11
Chiều 28/5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm mô hình trồng xoài hữu cơ tại huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có gần 20.000ha trồng cây xoài, tập trung chủ yếu ở các huyện: Yên Châu, Mai Sơn, Mường La... Dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2020-2022 đã hỗ trợ kinh phí thực hiện Dự án mô hình “Thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP”. Điển hình như tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Nà Hạ (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), hơn 20 hộ dân tham gia mô hình thâm canh cây xoài hữu cơ với tổng diện tích 70ha mang lại thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha, cao gấp 10 lần so với thu nhập từ trồng ngô, sắn, mía.

Ông Lò Văn Phớ (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cho biết, gia đình chúng tôi có 1,5 ha diện tích trồng xoài hữu cơ. Trước kia trồng ngô thì đá cứ cao lên mãi, do đất bị cuốn trôi, xói mòn. Còn từ khi trồng xoài thì đá không cao lên nữa. Bí quyết để cây xoài phát huy hiệu quả là nhờ người dân đã biết áp dụng kỹ thuật ghép mắt. “Theo đó, bà con sử dụng gốc cây xoài bản địa rất khỏe và thích ứng với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở đây, ghép với mắt của giống xoài mới cho quả to hơn, năng suất và ngon, đẹp hơn”, ông Phớ hồ hởi chia sẻ.

Để đảm bảo phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững, nhiều xã trên địa bàn huyện Mai Sơn đã chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân đưa giống mới vào thâm canh 50 ha lúa nước; phát triển trên 300 ha mía nguyên liệu, trồng trên 530 ha ngô lai; chuyển đổi gần 1.600 ha đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng xoài, nhãn. Nhiều công ty lớn sẽ thu mua nguyên liệu đầu ra cho người dân như Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La…

Ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện đã lồng ghép triển khai nhiều chính sách, dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững; tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy lợi thế của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa.

 anh-22

 Việc người dân xã Hát Lót, huyện Mai Sơn "đưa cây ăn quả lên sườn dốc" là thay đổi tư duy quan trọng, giúp cơ cấu lại cây trồng, thay đổi thói quen canh tác, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.

Huyện Mai Sơn đã ban hành Nghị quyết về xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; trong đó đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, xây dựng thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; đưa 3 xã ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 2% trở lên.

Với lộ trình cụ thể, cùng quyết tâm, đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, huyện Mai Sơn đã và đang tạo bước chuyển biến rõ nét trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững.

Phạm Hưng