Mô hình trồng xoài ghép có doanh thu bình quân 262,4 triệu đồng/ha.
Hiện nay, toàn tỉnh đã được cấp 181 mã số vùng trồng 4.701,84 ha cây ăn quả, tăng 62 mã số vùng trồng với diện tích tăng 1.067,25 ha so với năm 2019 và 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Trong đó: Tổng số mã vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc: 130 mã với 4.271,43 ha gồm nhãn, xoài, thanh long, bơ, mận, chanh leo, chuối, dâu tây….; mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp để xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ,... là 51 mã với tổng diện tích 430,41 ha gồm xoài, mận, bơ. Tại các địa phương của tỉnh như Mai Sơn, Mộc Châu, Thành phố Sơn La hiện đang là thời điểm thu hoạch các loại cây ăn quả như bưởi, cam, quýt; riêng dâu tây đang chuẩn bị thu hoạch phục vụ Tết Nguyên Đán.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của tỉnh ước đạt 41,39triệu USD, chiếm tới 93,45% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của toàn tỉnh. Hiện đã có 21 sản phẩm mang địa danh của tỉnh Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, tăng 3 sản phẩm so với năm 2019 gồm: Chỉ dẫn địa lý: 3 sản phẩm (Chè Shan Tuyết Mộc Châu; Xoài tròn Yên Châu; Cà phê Sơn La); Nhãn hiệu chứng nhận: 15 sản phẩm (Chè Olong Mộc Châu; Rau an toàn Mộc Châu; Nhãn Sông Mã; Cam Phù Yên; Na Mai Sơn; Bơ Mộc Châu; Táo sơn tra Sơn La; Chè Phổng Lái Thuận Châu; Nếp Mường Và - Sốp Cộp; Cá Tầm Sơn La; Cá Sông Đà Sơn La; Chuối Yên Châu; Mận Sơn La; Chanh leo Sơn La; Rau an toàn Sơn La); Nhãn hiệu tập thể: 3 sản phẩm (Khoai sọ Thuận Châu; Mật Ong Sơn La; Chè Tà Xùa Bắc Yên).
Đáng chú ý, tỉnh đã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn tỉnh đã có 83 sản phẩm. Nhiều mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động có hiệu quả như: Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với gần 10.000 hộ; Các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết với sản xuất, tiêu thụ cà phê với 12.000 hộ; Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu liên kết với gần 580 hộ nông dân trong chăn nuôi....
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La đang hỗ trợ duy trì, phát triển 196 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, tăng 72 chuỗi so với năm 2019. ; Trong đó có 27 chuỗi rau, 123 chuỗi quả ; 01 chuỗi cà phê an toàn, 7 chuỗi chè, 4 chuỗi thịt lợn an toàn, 02 chuỗi cung ứng thịt gà, 05 chuỗi cung ứng mật ong, 27 chuỗi cung ứng thủy sản. Toàn tỉnh có 614 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có 301 hợp tác xã trồng cây ăn quả; có 500 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản; xây dựng và đưa vào hoạt động 3 nhà máy chế biến quả trên địa bàn tỉnh từ đó giúp đời sống của người dân nông thôn đã được cải thiện rõ rệt..
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển cây ăn quả hiện vẫn còn một số hạn chế như quy mô sản xuất một số loại cây ăn quả nhỏ lẻ, phân tán;trang thiết bị phục vụ sơ chế, đóng gói bảo quản, chế biến quả còn yếu; cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản đến nhà máy chế biến còn thiếu, việc đổi mới liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu còn chậm; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế….
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Sơn La đã phê duyệt Đề án Phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả phục vụ liên kết giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh để tạo ra tiềm năng, lợi thế cho Sơn La thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư, liên kết phát triển vùng nguyên liệu, đẩy mạnh sơ chế, bảo quản, công nghiệp chế biến, chế biến sâu; chủ động tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp theo đúng chủ trương, định hướng của tỉnh.
Thanh Bình