00:00 Số lượt truy cập: 2981456

Sức lan tỏa từ một phong trào nông dân 

Được đăng : 06/12/2022
Trong 5 năm qua, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen tác động và ảnh hưởng không nhỏ tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta. Đặc biệt, đại dịch Covid -19 bùng phát, thiên tai diễn biến bất thường đã làm cho sản xuất nông nghiệp và đời sống, việc làm của nông dân gặp nhiều khó khăn. Song, bám sát sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã tranh thủ thời cơ, thuận lợi, khắc phục khó khăn, tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh và đạt được nhiều thành tích, đưa phong trào tiếp tục giành được những

anh-huong 

Ông Tống Văn Hướng ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương (ngoài cùng bên trái) giới thiệu bưởi da xanh đang hoàn tất thủ tục chứng nhận sản phẩm OCOP 

Phong trào đã có nhiều đổi mới trong nội dung, phương thức, cách thức vận động, tập hợp, thu hút, hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; đã tạo động lực, khích lệ, lôi cuốn hàng triệu hộ nông dân phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn, hăng hái thi đua sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Bình quân hàng năm, số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đạt 6,21 triệu lượt hộ, chiếm 53,4% so với tổng số hộ nông dân cả nước. Tổng số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp hàng năm của giai đoạn 2017 – 2022 đạt 3,61 triệu hộ, chiếm 58,1% số hộ đăng ký. So với giai đoạn 2012 - 2017 số hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng 60 nghìn hộ, chất lượng hộ sản xuất, kinh doanh giỏi nâng lên và bền vững hơn. Số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/ năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 2 lần. 

Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là lực lượng đi đầu trong ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề, khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị hàng hóa; thúc đẩy việc thành lập, củng cố và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Tích cực tham gia thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay các cấp Hội đã hướng dẫn, vận động, hỗ trợ xây dựng được 3.595 sản phẩm OCOP trên tổng số gần 7.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Điển hình như:Hộ gia đình ông Tống Văn Hướng ở tỉnh Bình Dương; hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hồng ở tỉnh Hà Nam; Hộ gia đình ông Trần Trung Thuyết ở tỉnh Hà Giang.

Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là hạt nhân nòng cốt, đi đầu trong tổ chức lại sản xuất, thành lập mới  hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp. Trong 5 năm qua các cấp Hội đã hướng dẫn thành lập được 15.772 mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã; trên 5.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động hiệu quả; thành lập và duy trì hoạt động 78.081 tổ vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Phong trào không chỉ khích lệ, thúc đẩy nông dân làm giàu cho gia đình mình, mà đã khích lệ, động viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ với các hộ còn nghèo, khó khăn vươn lên thoát nghèo, cùng nhau làm giàu. Trong 5 năm hỗ trợ giống, vốn, vật tư trị giá trên 6.720 tỷ đồng; trên 108.000 hộ nông dân thoát nghèo, giúp cho trên 1,2 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất; đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho các quỹ ở địa phương; hàng năm đã tạo việc làm cho hơn 5 triệu lao động, trong đó có trên 1,5 triệu lao động có việc làm ổn định. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid - 19, thông qua Chương trình “Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình”, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cùng với nông dân cả nước đã đóng góp ủng hộ, giúp đỡ gần 13.000 tấn nông sản và tiền mặt, hàng hóa thiết yếu trị giá gần 210 tỷ đồng.

Phong trào đóng góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia. Thực hiện Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; hàng năm, hội viên, nông dân trong cả nước đã hiến hàng trăm ha đất, đóng góp trên 10.000 tỷ đồng, trên 3 triệu ngày công …tham gia bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan góp phần vào kết quả xây dựng NTM: tính đến ngày 30/7/2022, cả nước đã có 5.813/8.227 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 803 xã nông thôn mới nâng cao và 94 xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 254 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới; 17 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 05 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Phong trào góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, giai cấp nông dân ngày càng phát triển. Thông qua phong trào, các Chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp phát triển mạnh, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín là hạt nhân nòng cốt để xây dựng, đã góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội. Trong 5 năm qua, cả nước đã kết nạp được hơn 2,1 triệu hội viên mới, đưa tổng số hội viên toàn quốc đến nay là trên 10,2 triệu hội viên, chiếm hơn 70% số hộ làm nông nghiệp, 100% thôn, ấp, bản có nông dân đã có tổ chức Hội. Thông qua tổ chức và chỉ đạo phong trào, năng lực đội ngũ cán bộ Hội, chất lượng hội viên nâng cao, hội viên gắn bó hơn với tổ chức Hội, vai trò, vị thế của Hội được nâng lên.

Kết quả đạt được của phong trào 5 năm qua đã góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân;góp phần xây dựng tổ chức Hội Nông dân ngày càng vững mạnh.

Trong giai đoạn tới, để phong trào tiếp tục có bước phát triển mới về chất, đòi hỏi toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao quyết tâm đổi mới, ý chí làm giàu, sáng tạo, phát huy nội lực đẩy mạnh phát triển kinh tế; đồng thời, cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh bằng những chính sách, những hành động cụ thể để động viên đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tích cực thi đua làm giàu cho gia đình, cho xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ./.

Thùy Dung